Chuyển đổi số trong thư viện cơ sở giáo dục phổ thông
Chuyển đổi số – Digital transformation là một quá trình hoàn chỉnh áp dụng số hóa và ứng dụng số hóa nhưng ở một cấp độ cao hơn, kèm theo sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại. Việc chuyển đối số cho thư viện nhằm mục đích nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Bài viết đề cập đến một số cơ sở pháp lý cần lưu ý trong quá trình chuyển đối số trong thư viện đặc biệt là đối với phần mềm quản lý thư viện, trong đó tác giả tập trung xem xét Quyết định Số: 206/ QĐ-TTg: Quyết định phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Thông tư Số: 08/2010/TT-BGDĐT: Thông tư Quy định về sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở với loại hình thư viện cơ sở giáo dục phổ thông liên quan đến chuyển đổi số và đề xuất một số phần mềm mã nguồn mở hỗ trợ cho cho công việc này.
1. Những vấn đề chung về chuyển đổi số ngành thư viện
Trong thời đại Cách mạng 4.0, Việc ứng dụng công nghệ đang được ưu tiên và triển khai ở nhiều lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, khoa học và nghệ thuật. Đặc biệt trong lĩnh vực thư viện, việc ứng dụng các sản phẩm công nghệ thông tin để phục vụ chuyển đổi số rất được chú trọng, nhất là giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Theo ông Dương Đình Hòa (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ số) để nhận định thế nào là chuyển đổi số ta phải hiểu một số khái niệm sau:
Số hóa – Digitization: là công việc chuyển thể dữ liệu ở dạng giấy truyền thống thành những dữ liệu mềm trên máy tính. Số hóa là một trong những bước đầu của quá trình chuyển đổi số.
Ứng dụng số hóa – Digitalization: là một chuỗi các hoạt động nhằm nâng cao hiệu suất công việc và giảm bớt thời gian cần thiết để thao tác công việc đã có từ trước.
Trên cơ sở đó có thể hiểu Chuyển đổi số – Digital transformation: là một quá trình hoàn chỉnh áp dụng số hóa và ứng dụng số hóa nhưng ở một cấp độ cao hơn, kèm theo sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại. Chuyển đổi số là một chuỗi những hoạt động thay đổi về cách thức vận hành và những việc làm cụ thể từ trước đến nay. [2]
Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện là vô cùng quan trọng với bối cảnh hiện nay. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã nhận định rằng việc chuyển đổi này nhằm mục đích: nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. [4]
2. Nội dung về chuyển đổi số loại hình thư viện cơ sở giáo dục phổ thông trong Quyết định số: 206/ QĐ-TTg: Quyết định phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”
Nhận thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số vào ngày 11-02-2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số: 206/ QĐ-TTg: Quyết định Phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (sau đây sẽ gọi là tắt là Quyết định) với nhiều định hướng cũng như giải pháp cho việc chuyển đổi số ngành thư viện nói chung, và các loại hình thư viện nói riêng.
Trong phạm vi bài viết này tác giả chỉ xin nhắc chủ yếu và trọng tâm những vấn đề mà Quyết định đề cập đến loại hình thư viện cơ sở giáo dục phổ thông (các thư viện trực thuộc các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, Liên cấp,…) như sau:
2.1. Mục tiêu
Mục tiêu chung: Ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.
Mục tiêu chủ yếu và định hướng:
Mục tiêu chủ yếu đến năm 2025: 60% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác có trang thông tin điện tử có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập (trừ các dịch vụ thuộc phạm vi bí mật nhà nước và dịch vụ đọc hạn chế).
Định hướng đến năm 2030: Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thư viện số, thực hiện liên thông ở mọi loại hình thư viện, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện mọi nơi, mọi lúc.
2.2. Nhiệm vụ và giải pháp
– Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền
– Hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật
– Hoàn thiện và phát triển hạ tầng số của ngành thư viện:
Từng bước nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hạ tầng kỹ thuật, số hóa tài nguyên thông tin, sớm hình thành thư viện điện tử, thư viện số
Tăng cường đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị, tiện ích thư viện thông minh trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại
Ưu tiên triển khai Chương trình theo hình thức thuê, hợp tác công tư liên quan đến ứng dụng, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin theo từng nhiệm vụ cụ thể
– Phát triển dữ liệu số ngành thư viện:
Tập trung thúc đẩy các dự án số hóa tài liệu và tài nguyên, sản phẩm thông tin thư viện, chú trọng tài nguyên giáo dục mở, trong đó các thư viện cơ sở giáo dục khác ưu tiên số hóa tài liệu tham khảo, học liệu, tài liệu nội sinh gắn với chương trình đào tạo
Tăng cường dịch vụ thông tin chuyên đề, đổi mới dịch vụ thông tin thư viện theo hướng cung cấp thông tin và tri thức theo yêu cầu
Đa dạng hóa các dịch vụ thư viện sử dụng tài nguyên số, sản phẩm thông tin số
Cung cấp dịch vụ trực tuyến (giới thiệu tài nguyên thông tin mới, tra cứu tài nguyên thông tin, mượn/trả, gia hạn tài nguyên thông tin, sao chụp từ xa…) hỗ trợ học tập, nghiên cứu và giải trí
Phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh (điện thoại di động, máy tính bảng,…) để cung cấp các dịch vụ và khả năng truy cập vào các nguồn tài nguyên thông tin của thư viện ở mọi lúc, mọi nơi
– Bảo đảm an toàn, an ninh mạng
– Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
– Đẩy mạnh hợp tác Quốc tế [3]
3. Ứng dụng phần mềm cho việc chuyển đối số loại hình thư viện cơ sở giáo dục phổ thông trong Thông tư Số: 08/2010/TT-BGDĐT: Thông tư Quy định về sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở với loại hình thư viện cơ sở giáo dục phổ thông
Vào ngày 01-3-2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt Thông tư Số: 08/2010/TT-BGDĐT: Thông tư Quy định về sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở với loại hình thư viện cơ sở giáo dục phổ thông (sau đây gọi tắt là Thông tư). Thông tư có chỉ dẫn, quy định và hướng dẫn về việc sử dụng một số phần mềm tự do mã nguồn mở trong các cơ sở giáo dục. Có thể nói danh sách các phần mềm tự do mã nguồn mở được khuyến khích sử dụng trong giáo dục được đưa ra như một hướng dẫn tiền đề cho việc xây dựng những bước cơ bản ban đầu của việc chuyển đối trong lĩnh vực thư viện. Vì phần mềm sẽ là nền tảng cho quá trình chuyển đổi số nên tác giả xin đưa ra một số phần mềm tiêu biểu trong Thông tư như sau:
Quản lý học tập điện tử e-Learning: Moodle, Dokeos.
Quản lý thư viện số: D-space, Greenstone của UNESCO.
Phần mềm thư viện: Koha, Emilda, phpmylibrary, OpenBiblio.
Cổng thông tin điện tử: Liferay, Uportal, DotnetNuke, ExoPlatform.
4. Một số phần mềm thư viện mã nguồn mở hỗ trợ chuyển đổi số
Từ các Quyết định và Thông tư trên tác giả muốn giới thiệu đến bạn đọc một số phần mềm thư viện mã nguồn mở có thể hỗ trợ trong công tác chuyển đổi số như sau:
Hệ quản trị thư viện tích hợp Koha: Hệ quản trị thư viện tích hợp – Integrated Library System (ILS) mã nguồn mở đầu tiên trên thế giới. Koha hiện nay được phát triển bởi cộng đồng những người làm công nghệ thông tin và thư viện trên toàn thế giới, vì vậy các tính năng của Koha liên tục hoàn thiện và phát triển mở rộng để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Koha có đầy đủ tính năng của một phần mềm quản lý thư viện hiện đại, phù hợp với mọi loại hình thư viện.
Phần mềm thư viện số Dspace: Phần mềm mã nguồn mở dùng để quản lý các nguồn tài nguyên số nội sinh nhằm phục vụ cho các thư viện, trung tâm lưu trữ các cơ quan, trường học sử dụng và phát triển. DSpace có khả năng xử lý các tài liệu đa phương tiện với nhiều định dạng tệp tin khác nhau, trong đó có các định dạng tài liệu văn bản (doc, txt, rtf, pdf, html, xml…), định dạng tài liệu về hình ảnh (gif, jpg…), định dạng các tài liệu âm thanh (wav, flv, mp3, mp4…).
Phần mềm tìm kiếm tập trung Vufind: Cổng tìm kiếm tập trung được thiết kế và phát triển dành cho các thư viện. Vufind cho phép bạn đọc có thể tìm kiếm và truy cập vào tất cả các nguồn tài nguyên trong thư viện trên một giao diện chung duy nhất. Dữ liệu trên Vufind được đồng bộ với các hệ thống khác nhau. Thông qua Vufind bạn đọc có thể tìm kiếm được các nguồn tài nguyên: tài liệu in trong các phần mềm thư viện điện tử, tài liệu số nội sinh và tài liệu số hóa, tài liệu từ các nhà xuất bản điện tử. [1]
5. Kết luận
Hiện nay, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu mà mọi thư viện đang hướng đến, góp phần nâng cao chất lượng học tập, đào tạo và giải trí. Chính vì vậy việc áp dụng công nghệ, đặc biệt là phần mềm thư viện mã nguồn mở vào thư viện là một điều cần thiết để sớm hoàn thiện việc này.
Tài liệu tham khảo:
[1] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010), Thông tư Số: 08/2010/TT-BGDĐT THÔNG TƯ Quy định về sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở trong các cơ sở giáo dục
[2] Dương Đình Hòa (2021) Mô hình và giải pháp công nghệ ứng dụng trong thư viện
[3] Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định Số: 206/QĐ-TTg QUYẾT ĐỊNH Phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”
[4] TT (2021), Ngành Thư viện đẩy mạnh chuyển đổi số truy cập vào ngày 15/ 07/ 2021 tại website dangcongsan.vn
____________________________________________________
Tác giả: Hải Anh.
Ngày đăng: 16/ 07/ 2021.
Ảnh bìa: Tea Hub.