Công tác xây dựng văn hóa đọc cho người dân tộc thiểu số, miền núi

TÓM TẮT: Bài viết nói về công tác xây dựng văn hóa đọc cho những người dân thuộc diện miền núi, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số. Từ các lí luận đưa ra có nhận định về các điều kiện, vai trò và ưu thế của văn hóa đọc để trả lời cho câu hỏi là người dân tộc, thiểu số có thực sự cần văn hóa đọc. Đồng thời trong bài viết có đưa ra các dẫn chứng về hiện trạng của công tác, cùng giải pháp đứng theo góc độ quan điểm lí luận này.

TỪ KHÓA: Văn hóa đọc, Người dân tộc thiểu số, Dân tộc thiểu số, Miền núi

1. Đặt vấn đề

Theo tác giả Triệu Mùi Say: “Các dân tộc thiểu số Việt Nam chiếm 13,7% dân số, cư trú trên 2/3 địa bàn toàn quốc, chiếm lĩnh nhiều vị trí xung yếu, vùng “phên dậu”, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ môi trường sinh thái nơi biên giới, hải đảo, các khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn…” [9]

Tác giả Âu Văn A có nhận định : “Vùng đồng bào dân tộc miền núi là vùng đất giàu tiềm năng về kinh tế, văn hóa có giá trị đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng. Đây cũng là cội nguồn của cách mạng Việt Nam, nơi có tới 3/4 tổng thành phần các dân tộc trong cộng đồng với dân số đông hàng chục triệu người, đã có quá trình đóng góp xứng đáng cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc mà ngày nay đang tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết góp phần thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.” [1]

Từ những số liệu và các lí luận trên ta có thể nhận thấy rằng tầm quan trọng về những ảnh hưởng của người dân tộc thiểu số, đồng bào miền núi cho đất nước. Nhưng vì nhiều lí do khác nhau như địa lí, văn hóa, điều kiện kinh tế, giáo dục… và những biến cố sau những cuộc chiến tranh vệ quốc nên người dân thuộc các vùng núi cao, dân tộc còn gặp nhiều khó khăn về đời sống. Để cải thiện được cuộc sống của những người dân nơi đây, tiến tới ổn định, phát triển bền vững thì phải sử dụng nhiều biện pháp, với sự kết hợp chặt chẽ của các ban ngành liên quan. Một trong những giải pháp để làm được việc đó là thúc đẩy công tác văn hóa đọc.


Hình ảnh minh họa văn hóa đọc ở đối với người dân tộc thiểu số, miền núi (Nguồn ảnh: http://www.bienphong.com.vn/)

2. Điều kiện để có văn hóa đọc

Tiên quyết trong điều kiện để có văn hóa đọc là phải biết chữ, và biết tiếng mà chữ đó thể hiện. Biết chữ để đọc, biết tiếng để hiểu nghĩa [7]. Vì vậy đối với người dân tộc thiểu số, miền núi để phát triển văn hóa đọc, lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng của mình thì bản thân họ phải có trình độ dân trí nhất định, ở mức sơ đẳng nhất là biết đọc và biết viết trên cả hai loại ngôn ngữ, chữ viết là tiếng bản địa và tiếng Quốc ngữ (tiếng Kinh).

Trong quá trình sử dụng sách báo, tài liệu để đọc và tìm kiếm thông tin người dân tộc thiểu số, miền núi vô hình chung tự phải rèn luyện cho mình các kĩ năng đọc, giúp họ rèn luyện tư duy. Vì rào cản ngôn ngữ, rào cản văn hóa và những vấn đề khác có thể làm cho người dân tộc thiểu số, miền núi khi tiếp cận đến sách, báo, tài liệu khá khó khăn, nhưng ngược lại ta có thể nhìn thấy mặt tích cực là nhờ vậy họ có thể tự trau dồi thêm tri thức của mình sau mỗi lần tự mày mò nghiên cứu đọc tài liệu.


Hình ảnh minh họa văn hóa đọc ở đối với người dân tộc thiểu số, miền núi (Nguồn ảnh: http://nguoilambao.vn/)

3. Vai trò và ưu thế của văn hóa đọc trong xã hội ngày nay

Như đã nói ở trên việc thúc đẩy văn hóa đọc là một trong những giải pháp để giúp ổn định, phát triển bền vững cuộc sống của người dân tộc thiểu số, miền núi. Vậy câu hỏi đặt ngược lại là văn hóa đọc có vai trò như thế nào đối với việc ổn định kinh tế, phát triển văn hóa, bền vững xã hội của người dân tộc thiểu số, miền núi? Trong bài viết tham luận mang tên “Tăng cường việc đẩy mạnh văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” tác giả Âu Văn A có nhận định “Trong mối quan hệ con người – xã hội thì  văn hóa và văn hóa đọc có vai trò đặc biệt quan trọng, có tác dụng quyết định đến việc giáo dục và hình thành nhân cách, bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và năng lực thẩm mỹ, làm thỏa mãn nhu cầu của con người. Văn hóa và văn hóa đọc cũng là điều kiện để con người phấn đấu vươn lên và hoàn thiện chính mình.” [1]

Về phần ưu thế của văn hóa đọc trong xã hội bùng nổ thông tin hiện nay đã được PGS.TS Hoàng Văn Nam trong bài viết “Đọc và ưu thế của văn hóa đọc trong tiếp nhận thông tin” đánh giá như sau:

  1. Văn hóa đọc cho người đọc cơ hội chủ động tiếp nhận thông tin, kiến thức.
  2. Văn hóa đọc cho người đọc cơ hội lưu giữ lại thông tin.
  3. Văn hóa đọc cho người đọc cơ hội tái truyền thông.

PGS.TS Hoàng Văn Nam còn nhấn mạnh văn hóa đọc phù hợp với điều kiện kinh tế và trình độ dân trí ở nông thôn, nhất là nông thôn vùng dân tộc và miền núi. Văn hóa đọc đã xuất hiện từ thời cổ đại nhưng có nhiều ưu thế trong việc truyền thông, cho nên mặc dù bị cạnh tranh gay gắt nhưng nó vẫn tự khẳng định, tự trụ vững được bên cạnh những phương tiện truyền thông hiện đại. [7]

Từ những nhận định trên tôi xin trình bày lại và diễn giải theo cách hiểu của mình về ưu thế của văn hóa đọc trong xã hội ngày nay với người dân tộc thiểu số, miền núi như sau:

  1. Cho người đọc cơ hội chủ động tiếp nhận thông tin, kiến thức: Người đọc khi có sách trong tay sẽ chủ động địa điểm mình đọc sách, chủ động tiếp nhận, đọc những thông tin mình cho là cần, và hơn hết chủ động nhiều cách đọc như: đọc hiểu, đọc lướt, đọc nhanh, đọc chậm…
  2. Cho người đọc cơ hội lưu giữ thông tin: Không giống như những loại hình lưu trữ thông tin khác, thông tin trong những cuốn sách được sử dụng đi sử dụng lại thông qua các thư viện cho mượn/ trả đến tay các bạn đọc, các kiến thức trong các cuốn sách được người đọc tái đọc (nghiên cứu) lại khi đã quên.
  3. Cho người đọc cơ hội tái truyền thông: Đọc xong sách là có thể mượn lại những người có sách, mượn tại các điểm đọc sách, Bưu điện Văn hóa xã, Thư viện tỉnh, Phòng đọc sách của trường bán trú dân nuôi, Thư viện của trường học dân tộc…
  4. Văn hóa đọc phù hợp với điều kiện kinh tế và nhiều trình độ dân trí: Có thể nói kinh phí đầu tư cho sách là một tri phí khá khiêm tốn so với nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật, xã hội khác. Sách được mua về lưu lại các điểm đọc sách, sau đó được lưu chuyển đến người dân, tái sử dụng nhiều lần. Với nhận định đọc sách là hình thức để nâng cao tri thức thì việc đầu tư cho văn hóa đọc là việc đầu tư cho tri thức, khi có kiến thức và thông tin cần thiết cho đời sống người dân tộc thiểu số, miền núi sẽ cải thiện được cuộc sống của mình.
  5. Văn hóa đọc có lịch sử xuất hiện lâu đời: Thực tế trong lịch sử hình thành của văn minh nhân loại thì văn hóa đọc đã xuất hiện từ thời cổ đại, chính vì vì vậy văn hóa đọc có những dẫn chứng, lập luận khá cụ thể cho việc các cá nhân, tổ chức hay thậm trí là các Quốc gia được phát triển nhờ việc đọc. Chính vì vậy việc phát huy công tác xây dựng văn hóa đọc ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi là điều cần thiết.

    Hình ảnh minh họa văn hóa đọc ở đối với người dân tộc thiểu số, miền núi (Nguồn ảnh: http://kinhtevadubao.vn/

     

4. Người dân tộc thiểu số, miền núi có cần văn hóa đọc

Ở phần này tôi xin dẫn chứng những lí luận của hai tác giả là Lưu Xuân Lý và Vi Hồng Nhân.

Với tác giả Lưu Xuân Lý thì cho rằng:

““Văn hóa đọc” – Đó là nâng cao dân trí, là một trong các vũ khí để xóa đói, giảm nghèo, để xóa bỏ hủ tục, để tiếp cận văn minh. Nếu nói “to tát” hơn là để phấn đấu cho mục tiêu công nghệ hóa, hiện đại hóa ở vùng các dân tộc, đồng thời bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc của văn hóa. Ai đó ở thành phố có thể biến ngay thành tờ giấy loại các tờ lịch, tờ báo, quyển sách khi đã đọc, đã xem nhưng đồng bà miền núi sẽ giữ lại khi không thể sử dụng được nữa. Đó là sự thật!

Trong thời bùng nổ thông tin hiện nay, rõ ràng “văn hóa nghe, nhìn” có vị trí, thế mạnh của nó, nhưng như thế không có nghĩa chúng thay thế “Văn hóa đọc” với ưu thế sâu sắc, lâu dài của ấn phẩm.” [6]

Với tác giả Vi Hồng Nhân thì có ý kiến như sau:

“Ý kiến cho rằng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không có hoặc chưa có nhu cầu đọc sách, báo là không đúng. Vùng dân tộc thiểu số, miền núi có nhiều tộc người, có nhiều bộ phận dân cư với nhiều trình độ học vấn khác nhau. Có những vùng, những tộc người tỉ lệ mù chữ còn cao cũng có những vùng, những tộc tỉ lệ người đi học và học cao không kém ở miền xuôi. Trong các dân tộc, không thiếu người làm cán bộ, thầy cô giáo, đặc biệt là học sinh ở các trường phổ thông. Nhiều bản làng, nhiều gia đình đồng bào có người đi thoát li, đi học hoặc làm cán bộ ở cơ sở. Những đối tượng ấy rất cần có sách báo. Không nên đòi hỏi ngay một phong trào rầm rộ đều khắp về đọc sách báo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa trong khi chúng ta chưa tổ chức làm những sách báo có nội dung phù hợp hoặc chưa có những thiết chế phục vụ văn hóa cho đồng bào.” [8]

“Từ thực tiễn ở nhiều nơi trong nước ta, hỏi nhiều hộ xóa được đói, giảm được nghèo, họ nói: nhờ được vay vốn của Nhà nước và đọc sách, báo, nghe đài và đi tham quan học tập làm kinh tế VACR… Nhiều người đã viết thư đề nghị một số báo, Nhà xuất bản, ngoài đưa tin chung cần có những bài báo, cuốn sách mỏng hướng dẫn cụ thể cách làm ăn cho đồng bào sát với từng vùng. Như vậy để thấy rằng trong đồng bào các dân tộc, tuy chưa phải nhiều nhưng cũng đã có nhu cầu đọc sách báo để xây dựng cuộc sống mới, cả về kinh tế, văn hóa.” [8]

Từ đó với cá nhân tôi cũng có nhận định rằng:

Văn hóa đọc là điều cần thiết ở mọi nơi, mọi địa phương trên khắp Tổ quốc ta, bởi lẽ có sự xuất hiện của văn hóa đọc là có mặt của hoạt động trao truyền tri thức, học tập và giáo dục. Trong xã hội ngày nay thông tin được sẻ chia, kết nối và lưu trữ một cách dễ dàng; các ứng dụng của khoa học công nghệ ngày càng tiện ích, tiên tiến vì vậy để bắt kịp với đời sống của nhân loại con người ta buộc phải không ngừng trau dồi và học tập. Đối với những người dân tộc thiểu số, miền núi việc phổ cập tri thức, phổ cập giáo dục, pháp luật của Nhà nước, cũng như các kiến thức về an ninh – văn hóa – xã hội – y tế khác là điều luôn phải được quan tâm hàng đầu, giúp họ có được cuộc sống tốt đẹp hơn, hòa nhập được với thực trạng phát triển không ngừng của thế giới nói chung và của đất nước nói riêng. Để làm được điều đó thì văn hóa đọc được nhân danh như một chiếc cầu nối của tri thức. Tóm lại văn hóa đọc là điều thật sự cần và cấp thiết đối với người dân tộc thiểu số, miền núi.


Hình ảnh minh họa văn hóa đọc ở đối với người dân tộc thiểu số, miền núi (Nguồn ảnh: http://baochinhphu.vn/

5. Điểm lại một số hoạt động thực tiễn về công tác xây dựng văn hóa đọc cho người dân tộc thiểu số, miền núi

Về phía Chính phủ: 

“Pháp lệnh Thư viện đã khẳng định “người dân tộc thiểu số được sử dụng tài liệu thư viện bằng ngôn ngữ của dân tộc mình” (Khoản 3 – Điều 6 Pháp lệnh Thư viện). Nghị định 72/2002/NĐ-CP ngày 6/8/2002 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện đã chỉ rõ: “Thư viện công cộng ở địa phương có trách nhiệm xây dựng bộ phận tài liệu dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm dân cư trên địa bàn để phục vụ đối tượng bạn đọc này.”” [12]

“Triển khai Chỉ 39/CT-TTg ngày 31/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc “đẩy mạnh công tác VHTT ở miền núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số” Vụ Thư viện đã chỉ đạo các thư viện tỉnh, huyện trở thành trung tâm chỉ đạo sự nghiệp và hướng dẫn nghiệp vụ, ưu tiên mọi khả năng sẵn có và và xây dựng phát triển phong trào đọc cơ sở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với phương thức vừa phát huy nguồn nhân lực tại chỗ vừa luân chuyển sách báo từ tỉnh, huyện xuống cơ sở; xã hội hóa các hình thức hoạt động thư viện cơ sở.” [12]

“Trong chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa có 25 thư viện tỉnh, thành phố được tài trợ từ 70-100 triệu đồng bảo quản vốn tài liệu quý hiếm. Từ năm 199-2000 Bộ VHTT đã đầu tư xây dựng được 24 thư viện huyện miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với số tiền 6,750 tỷ đồng (bình quân mỗi thư viện huyện từ 230-250 triệu đồng).” [12]

Ngoài ra còn có “Nghị quyết số 22/1989 của Bộ Chính trị, Quyết định số 72/1990 của Hội đồng Bộ trưởng và Chỉ thị số 39/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tac văn hóa thông tin ở miền núi phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số.”  và một số chương trình, Nghị quyết, Thông tư khác của Chính phủ mà tôi không kể hết đến ở đây. [12]
 


Hình ảnh minh họa văn hóa đọc ở đối với người dân tộc thiểu số, miền núi (Nguồn ảnh: https://kiemsat.onecmscdn.com/

Về phía các điểm đọc sách, tủ sách, Bưu điện Văn hóa xã, Thư viện trường học, Thư viện công cộng…:

– Thư viện trường học bắt đầu được quan tâm nhiều hơn. Lấy ví dụ như trường tiểu họ Ia mơnông (huyện Chư Pah – Gia Lai) trong các buổi sinh hoạt và ngày cuối tuần đã có giáo viên, học sinh thường xuyên lui tới thư viện của trường. Ngoài ra trường còn có tổ chức những cuộc thi kể truyện, thi đọc thơ… [10]

– Điểm Bưu điện Văn hóa xã đã phối hợp với một số Thư viện tỉnh, thành phố đã luân chuyển các đầu để phục vụ người dân ở một số điểm thuộc vùng dân tộc, Bưu điện Văn hóa xã còn được trang bị hệ thống trang thiết bị cơ sở như bàn ghế, tủ sách, đèn… để phục người dân đọc sách. [11]

– Hàng năm các Thư viện tỉnh, thành phố đã có những động thái rõ rệt trong công tác luân chuyển tài liệu xuống các vùng thuộc diện kham hiếm sách, báo có tập trung nhiều người dân tộc, vùng sâu vùng xa để phục vụ công tác phát triển văn hóa đọc, nâng cao dân trí của người dân. Trong hệ thống Thư viện công cộng thì đứng đầu là thư viện tỉnh, thành phố đã cung cấp, chuyển giao nguồn sách báo lớn xuống địa phương là các thư viện, phòng đọc sách báo ở các thị trấn, huyện, xã… cứ thế sách, báo được đưa đến cho người dân tộc thiểu số, miền núi để sử dụng. Phong trào đọc sách báo, xây dựng thư viện cơ sở có nhiều bước phát triển. Tiêu biểu có thể kể đến các vùng như Hòa Bình, Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai… [4], [13]


Hình ảnh minh họa văn hóa đọc ở đối với người dân tộc thiểu số, miền núi (Nguồn ảnh: http://m.baotuyenquang.com.vn/

6. Đề xuất giải pháp xây dựng văn hóa đọc cho người dân tộc thiểu số, miền núi

– Điều kiện để có văn hóa đọc đó là người dân phải biết chữ và hiểu chữ, chính vì vậy công tác giáo dục để xóa nạn dốt, mù chữ là điều cần phải quan tâm đầu tiên.

– Có cái nhìn nhận đúng đắn về vai trò của công tác thư viện, tất nhiên phải nhìn theo cả chiều hướng bao quát và tổng thể về mặt nghiệp vụ thì các tủ sách, phòng đọc sách, điểm Bưu điện Văn hóa xã… cũng đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển văn hóa đọc.

– Đầu tư kinh phí trong việc xây dựng các điểm đọc sách, thư viện… về trang thiết bị cơ sở, vốn tài liệu (phù hợp với trình độ dân trí, nhu cầu thiết thực của người dân).

– Các thư viện đúng đầu vùng nên cộng tác hoạt động chặt chẽ hơn nữa với các thư viện nhỏ, điểm luân chuyển sách bên dưới để liên tục có những đầu sách mới, hay về địa phương cho người dân sử dụng. Hơn nữa với các thư viện lớn của vùng, địa phương phải có ý thức về việc trao đổi kinh nghiệm hoạt động trong công tác phục vụ nhu cầu tin của người dân, đặc biệt cần tổ chức ra các buổi tập huấn nghiệp vụ cho các thư viện nhỏ, các cán bộ, người phụ trách điểm đọc sách được học hỏi chuyên môn. Nên biên soạn các tài liệu hướng dẫn cơ sở cho các bên liên quan để nghiên cứu.

– Công tác tuyên truyền là điều không thể bỏ qua trong mọi hoạt động, những người làm hoạt động liên quan đến phát triển văn hóa đọc cần phải đề ra những kế hoạch ngắn hạn và mục tiêu dài hạn để thực hiện các chiến lược phát động, phát huy phong trào.


Hình ảnh minh họa văn hóa đọc ở đối với người dân tộc thiểu số, miền núi (Nguồn ảnh: http://thuvienthainguyen.vn/)

7. Kết luận

Để tiến tới một xã hội bình đẳng, công bằng, đời sống nhân dân được cải thiện, phát triển hơn thì việc xây dựng, triển khai các công tác về văn hóa đọc là điều cần thiết. Văn hóa đọc đem lại thông tin, tri thức cho người dân để từ đó họ có thể khai thác, sử dụng vào thực tiễn của cuộc sống của mình. Đối với người dân tộc thiểu số, miền núi cũng vậy, họ là những đối tượng cần được quan tâm về mọi mặt của cuộc sống. Hàng năm đã có rất nhiều tổ chức của cá nhân hay tập thể, Chính phủ, cũng như Phi Chính phủ quyên góp tiền bạc, của cải, vật chất… đến những vùng sâu, vùng xa, cho người dân tộc để giúp cải thiện cuộc sống của họ; nhưng cho con cá không bằng cho cái cần, chúng ta cần nhìn nhận một cách đúng đắn nếu chúng ta chỉ cho họ vật chất không rồi cũng sẽ hết, điều quan trọng là chúng ta cần phải làm thế nào để giúp họ kiến tạo ra những sản phẩm, vật chất cho mình. Ở đây tôi không có ý phê phán các phong trào, hay bất kì một cá nhân tổ chức nào về vấn đề quyên góp cho người nghèo, người dân tộc, mà ngược lại tôi còn rất ủng hộ, nhưng chỉ xin lưu ý một điều rằng chúng ta cũng cần đẩy mạnh các công tác giúp đỡ người dân tộc thiểu số bằng những công việc thiết thực khác giúp họ có cuộc sống ổn định dài lâu như cụ thể trong bài nghiên cứu này tôi có đề cập đến là công cuộc phát triển văn hóa đọc cho họ.

___________________________________________________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Âu Văn A (2004), Tăng cường đẩy mạnh văn hóa đọc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Kỷ yếu Hội thảo Văn hóa đọc ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Hà Nội, tr.38-44.

[2] Hải Anh (2019), Thư viện góp phần giảm thiểu bất bình đẳng xã hội, truy cập vào ngày 25/12/2019 tại địa chỉ: https://idtvietnam.vn/vi/thu-vien-gop-phan-giam-thieu-bat-binh-dang-xa-hoi-942

[3] Bùi Thị Bình (2004), Tuyên truyền và vận động tốt người dân đọc sách báo là góp phần nâng cao dân trí cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Kỷ yếu Hội thảo Văn hóa đọc ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Hà Nội, tr.21-24.

[4] Hoàng Chi Chiển (2004), Phong trào và hoạt động thư viện huyện Lương Sơn – Tỉnh Hòa Bình từ năm 2001-2003, Kỷ yếu Hội thảo Văn hóa đọc ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Hà Nội, tr.195-201.

[5] Bạch Quốc Khánh (2004), Đẩy mạnh văn hóa đọc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh hòa bình, Kỷ yếu Hội thảo Văn hóa đọc ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Hà Nội, tr.167-172.

[6] Lưu Xuân Lý (2004), Đẩy mạnh văn hóa đọc ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi – Một giải pháp bảo tồn, phát triển văn hóa và xóa đói, giảm nghèo, Kỷ yếu Hội thảo Văn hóa đọc ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Hà Nội, tr.12-20.

[7] Hoàng Văn Nam (2004), Đọc và ưu thế của văn hóa đọc trong tiếp nhận thông tin, Kỷ yếu Hội thảo Văn hóa đọc ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Hà Nội, tr.90-93.

[8] Vi Hồng Nhân (2004), Cần có nhận thức đúng về văn hóa đọc ở vùng dân tộc thiểu số, Kỷ yếu Hội thảo Văn hóa đọc ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Hà Nội, tr.25-31.

[9] Triệu Mùi Say (2004), Vấn đề nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua việc đẩy mạnh văn hóa đọc, Kỷ yếu Hội thảo Văn hóa đọc ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Hà Nội, tr.32-37.

[10] Mông Ký Slay (2004), Sách và đọc sách với học sinh dân tộc, Kỷ yếu Hội thảo Văn hóa đọc ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Hà Nội, tr.52-57.

[11] Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (2004), Điểm bưu điện văn hóa xã phục vụ nhân dân, phục vụ đồng bào các dân tộc, Kỷ yếu Hội thảo Văn hóa đọc ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Hà Nội, tr.58-66.

[12] Nguyễn Thị Ngọc Thuần (2004), Xây dựng và tổ chức các hình thức phục vụ sách báo ở miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, Kỷ yếu Hội thảo Văn hóa đọc ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Hà Nội, tr.45-51.

[13] Nguyễn Trùng Thương (2004), Văn hóa đọc đối với đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao tỉnh Hà Giang, Kỷ yếu Hội thảo Văn hóa đọc ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Hà Nội, tr.160-166.
____________________________________________________
BÀI VIẾT: Hải Anh.

ẢNH BÌA BÀI VIẾT: http://baoquangninh.com.vn/

NGÀY ĐĂNG: 25/12/2019.

Chia sẻ:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *