Đề xuất giải pháp cho chương trình “Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cho các thư viện công cộng
Vào ngày 11/ 02/ 2020 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định Số: 206/QĐ-TTg: Quyết định Phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là Quyết định).
Đây là quyết định với mục tiêu chung, nhấn mạnh vào việc: Ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập. [5]
Dưới góc độ là một Công ty với các giải pháp chuyên nghiệp về cung cấp công nghệ số cho các thư viện, IDT luôn mong muốn đem đến những dịch vụ và sản phẩm tốt nhất đến với khách hàng, chính vì vậy trong phạm vi bài viết này chúng tôi có tập hợp lại một số ý chính trong Quyết định cùng đề xuất giải pháp cho các thư viện công cộng tại Việt Nam để giải quyết bài toán mang tên “chuyển đổi số”.
1. Những vấn đề chung trong Quyết định đề cập đến khối thư viện công cộng
1.1. Mục tiêu chủ yếu và định hướng
Mục tiêu chủ yếu đến năm 2025
– 100% thư viện có vai trò quan trọng, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ trực tuyến, tích hợp với thành phần dữ liệu mở của Hệ tri thức Việt số hóa.
– 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do các thư viện có vai trò quan trọng thu thập và quản lý được số hóa.
– 100% người làm công tác thư viện được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại.
– 60% số thư viện trong cả nước trở lên được kiểm tra, quản lý thông qua hệ thống quản lý thông tin của cơ quan quản lý.
Định hướng đến năm 2030
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thư viện số, thực hiện liên thông ở mọi loại hình thư viện, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện mọi nơi, mọi lúc.
1.2. Nhiệm vụ và giải pháp
– Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền
– Hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật
– Hoàn thiện và phát triển hạ tầng số của ngành thư viện
– Phát triển dữ liệu số ngành thư viện
– Xây dựng và phát triển nền tảng số
– Bảo đảm an toàn, an ninh mạng
– Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
– Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
2. Đề xuất giải pháp của Công ty IDT
Vậy làm cách nào để đáp ứng các nhiệm vụ và giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra trong Quyết định như: Hoàn thiện và phát triển hạ tầng số của ngành thư viện, Phát triển dữ liệu số ngành thư viện, Xây dựng và phát triển nền tảng số, Bảo đảm an toàn, an ninh mạng,…?
Công ty IDT với nhiều năm kinh nghiệm trong việc đầu tư, xây dựng cho các dự án của thư viện; với đa dạng các sản phẩm và dịch vụ sẽ hỗ trợ Quý thư viện bài toán này.
Theo ông Dương Đình Hòa (Tổng Giám đốc Công ty IDT) cho biết thì:
Số hóa – Digitization: là công việc chuyển thể dữ liệu ở dạng giấy truyền thống thành những dữ liệu mềm trên máy tinh. Số hóa là một trong những bước đầu của quá trình chuyển đổi số.
Ứng dụng số hóa – Digitalization: là một chuỗi các hoạt động nhằm nâng cao hiệu suất công việc và giảm bớt thời gian cần thiết để thao tác công việc đã có từ trước.
Chuyển đổi số – Digital transformation: là một quá trình hoàn chỉnh áp dụng số hóa và ứng dụng số hóa nhưng ở một cấp độ cao hơn, kèm theo sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại. Chuyển đổi số là một chuỗi những hoạt động thay đổi về cách thức vận hành và những việc làm cụ thể từ trước đến nay.
Từ đó ta có thể đưa ra những thiết bị công nghệ phù hợp với việc chuyển đổi số cho các Thư viện công cộng:
2.1. Phần mềm thư viện
Để một thư viện, nhất là với hệ thống thư viện công cộng – một mô hình thư viện mở gần như đối với tất cả các đối tượng sử dụng, với đa dạng nhu cầu tin và người dùng tin thì việc phải có phần mềm thư viện để hoạt động là điều đương nhiên. Các phần mềm sẽ giúp ích cho việc quản lý các hoạt động có trong thư viện bao gồm: mượn/ trả tài liệu, biên mục mô tả tài liệu, tra cứu… đồng thời hỗ trợ báo cáo thống kê, lưu trữ, phân tích, đánh giá các hoạt động này để giúp thư viện có thể làm việc hiệu quả hơn. Trong môi trường của một thư viện công cộng việc tổng hợp, nghiên cứu được yêu cầu tin, nhu cầu tin của người dùng tin là một điều vô cùng phức tạp, thông qua phần mềm thư viện điều đó sẽ trở nên dễ dàng, tiện ích hơn đối với các cán bộ thư viện, từ đó có thể đưa ra các sản phẩm, dịch vụ thông tin phù hợp, thỏa mãn nhu cầu của người dùng tin một cách hợp lí. Trong việc ứng dụng công nghệ số thì các phần mềm thư viện ngoài việc giúp giảm thiểu nguồn lực (thời gian, nhân lực, kinh phí) thì còn phải nhấn mạnh đến một điều là còn có thể quản trị, tra cứu, biên mục và lưu trữ các dạng tài liệu số. Dưới đây là một số phần mềm thư viện tiêu biểu:
Phần mềm thư viện thế hệ mới WorldShare Management Services (WMS) là một giải pháp tổng thể phục vụ cho việc quản lý tài liệu truyền thống và tài liệu điện tử được phát triển dựa trên công nghệ điện toán đám mây.
Phần mềm thư viện và lưu trữ số – Nainuwa là một phần mềm được xây dựng nhằm quản lý các bộ sưu tập số khổng lồ bao gồm của thư viện, viên nghiên cứu, trung tâm lưu trữ các cơ quan tổ chức.
Phần mềm tổng thể cho thư viện – KIPOS bao gồm 03 hệ thống kết hợp: Hệ KIPOS.Automation – Tự động hóa thư viện (Thư viện điện tử tích hợp); Hệ KIPOS.Digital- Thư viện số; KIPOS.WebPortal – Hệ quản trị nội dung website và cổng thông tin thư viện. KIPOS đáp ứng toàn diện yêu cầu của các thư viện lớn ngày nay.
Phần mềm Quản lý tài nguyên số Contentdm là một giải pháp tổng thể cho một việc quản lý tài liệu số do OCLC cung cấp. Contentdm quản lý, lưu trữ các loại hình tài liệu số của thư viện và giới thiệu các tài liệu đấy đến với bạn đọc thông qua Website của Contentdm, Contentdm quản lý được các loại hình tài liệu với nhiều định dạng khác nhau như các file văn bản, âm thanh, hình ảnh, bản đồ, video, các file Microsoft Office.
Các phần mềm mã nguồn mở
Koha là Hệ quản trị thư viện tích hợp – Integrated Library System (ILS) mã nguồn mở đầu tiên trên thế giới. Koha hiện nay được phát triển bởi cộng đồng những người làm công nghệ thông tin và thư viện trên toàn thế giới, vì vậy các tính năng của Koha liên tục hoàn thiện và phát triển mở rộng để đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Dspace là phần mềm mã nguồn mở dùng để quản lý các nguồn tài nguyên số nội sinh nhằm phục vụ cho các thư viện, trung tâm lưu trữ các cơ quan, trường học sử dụng và phát triển.
Vufind là cổng tìm kiếm tập trung được thiết kế và phát triển dành cho các thư viện. Vufind cho phép bạn đọc có thể tìm kiếm và truy cập vào tất cả các nguồn tài nguyên trong thư viện trên một giao diện chung duy nhất. Dữ liệu trên Vufind được đồng bộ với các hệ thống khác nhau. Thông qua Vufind bạn đọc có thể tìm kiếm được các nguồn tài nguyên: Tài liệu in trong các phần mềm thư viện điện tử, Tài liệu số nội sinh và tài liệu số hóa, Tài liệu từ các NXB điện tử
2.2. Thiết bị số hóa, lưu trữ tài liệu
Trong Quyết định phần mục tiêu chủ yếu đến năm 2025 có nhấn mạnh: 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do các thư viện có vai trò quan trọng thu thập và quản lý được số hóa. [5]
Các thư viện trong hệ thống thư viện công cộng được coi như là một trung tâm lưu trữ thông tin và tri thức của một địa phương nên chứa rất nhiều tài liệu có giá trị về lịch sử, văn hóa… Có thể kể đến như các bộ sưu tập tài liệu cổ Hán – Nôm (các sắc phong, thần tích, câu đối, sách cổ…), các tài liệu có giá trị về tính lịch sử chính trị, các tài liệu quý độc bản không còn lưu hành… thì việc phải số hóa là việc cần phải làm vì:
- Giúp bảo quản và lưu trữ tài liệu được lâu dài
- Có thể dùng bản số để người dùng tin sử dụng
- Không hạn chế thời gian và số lượng người dùng cùng một lúc
Theo ông Dương Đình Hòa (Tổng Giám đốc Công ty IDT) thì việc số hóa các tài liệu trong thư viện thường được thực hiện trên các thiết bị chuyên dụng cho việc số hóa sách chứ không phải các thiết bị scan văn phòng thông thường. Các thiết bị số hóa chuyên dụng cho sách chủ yếu bao gồm các loại sau:
– Máy quét dạng trên cao (over-head scanner): sử dụng camera từ trên cao chụp lấy hình ảnh của tài liệu và tiến hành xử lý. Thường đây là dạng máy thủ công, cho phép quét một cuốn sách mà không cần tháo gáy.
– Máy quét dạng bán tự động: cũng được bố trí camera kiểu máy quét over-head, tuy nhiên loại máy này thường được trang bị thêm giá sách chuyên dụng tự nâng hạ bằng mô tơ, có tấm kính giữ phẳng tài liệu tự đóng mở, và phần mềm của máy cho phép thiết lập các thao tác máy tự động scan, nâng hạ giá đỡ sách, đóng mở tấm kính. Khi đó người vận hành chỉ việc thao tác lật trang tài liệu. Các máy quét bán tự động có thể cho tốc độ khá cao lên đến trên 1.000 trang/giờ.
– Máy quét dạng tự động: thường sử dụng Scanrobot, hoặc cánh tay robot để tự động lật giở trang sách. Máy sẽ kết hợp hệ thống camera chụp trong quá trình lật giở. Như vậy người vận hành chỉ việc thực hiện các thao tác điều khiển và theo dõi hoạt động của máy. Tốc độ của các máy quét tự động thường là rất cao, có thể lên tới 2.500 đến 3.000 trang/giờ.
– Máy quét đa dụng kết hợp nhiều chức năng: đây thường là các hệ thống lớn cho phép quét nhiều loại tài liệu khác nhau như tài liệu giấy, tài liệu dạng vi phim, tài liệu kính, hoặc có thể chụp ảnh vật thể như tượng, đồng xu, con tem, mộc bản, văn bia… Dạng máy quét này thường được trang bị camera quét với độ phân giải cực cao và cho các kết quả số hóa là các hình ảnh chất lượng rất tốt.
– Máy quét 3D: chuyên dụng cho việc quét mô hình các đối tượng vật thể như tượng, bình gốm sứ, trống đồng… Tuy nhiên việc số hóa mô hình 3D thường cho độ chân thực với bản gốc không cao như các máy chụp ảnh vật thể.
– Phần mềm OCR: Phần mềm cho phép nhận dạng ký tự qua hình ảnh, thông qua đó chuyển đổi toàn bộ trang hình ảnh văn bản sang dạng text.
– Thiết bị lưu trữ tài liệu: Một trong các phương tiện lưu trữ dữ liệu được đánh giá là an toàn và bền vững nhất thế giới hiện nay là vi phim (microfilm). Khi các công nghệ mới về bảo quản số vẫn còn gây nhiều tranh cãi thì vi phim, trong điều kiện bảo quản tiêu chuẩn vẫn có thể giúp nhân loại gìn giữ và bảo quản các tài liệu di sản trong một khoảng thời gian lên tới 500 năm, và vẫn chưa có một phương tiện lưu trữ nào vượt qua được khả năng lưu trữ này của nó.
– Ngoài ra trong nhiều mô hình thư viện hiện đại trong thời gian gần đây còn cho phép việc sử dụng các máy scan tự phục vụ (self-service scanner), tức là thư viện đặt các máy scan tại một số nơi trong thư viện, cho phép bạn đọc tự quét một phần tài liệu theo nhu cầu và gửi về email của mình. Bạn đọc tự thao tác và chịu trách nhiệm về hành vi bản quyền đối với tài liệu đó. [1]
2.3. Hệ thống tự động hóa công nghệ RFID
Để hỗ trợ cho kế hoạch chuyển đổi số thì ngoài việc các thư viện công cộng cần trang bị các thiết bị, phần mềm cơ bản về việc “số hóa” thì cần phải có các trang thiết bị tự động hóa đi kèm để là “một chuỗi những hoạt động thay đổi về cách thức vận hành và những việc làm cụ thể từ trước đến nay” một cách hiệu quả, tự động hóa.
Trong lĩnh vực thư viện, Công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) là công nghệ nhận dạng sử dụng sóng vô tuyến đã được ứng dụng và cho thấy tính hiệu quả của mình, thông qua việc gắn các thẻ chip vào các cuốn sách, qua đó nhận diện theo dõi quá trình lưu thông của cuốn sách đó. Ngoài ra tốc độ xử lý nhanh, khả năng đọc đồng thời nhiều tài liệu cũng cho phép RFID được áp dụng trên các máy mượn trả sách tự động, trả sách 24h, hoặc các tủ sách tự động mượn trả có thể đặt bên ngoài thư viện. Một hệ thống RFID ứng dụng trong thư viện thường bao gồm:
– Thẻ chip: được gắn vào mỗi cuốn sách. Bản thân mỗi thẻ chip đều lưu trữ các dữ liệu định danh của tài liệu và có thể đọc được bằng các đầu đọc RFID.
– Cổng an ninh: đặt tại lối ra của thư viện có chức năng báo động khi phát hiện thẻ chip chưa bỏ kích hoạt (chưa làm thủ tục mượn).
– Trạm thủ thư RFID: có chức năng lập trình (nhập dữ liệu vào thẻ chip) và lưu thông (các thủ tục mượn trả sách).
– Thiết bị kiểm kê: cho phép kiểm kê bằng cách quét thiết bị dọc theo giá sách mà không cần dỡ sách xuống. Ngoài ra thiết bị này còn cho phép tìm kiếm tài liệu hoặc phát hiện tài liệu đặt sai vị trí.
– Thiết bị mượn trả tự động (self-check): cho phép bạn đọc tự làm thủ tục mượn hoặc trả tài liệu mà không cần sự trợ giúp của thủ thư.
– Giá trả sách thông minh: cho phép bạn đọc chỉ cần đặt sách vào giá là đã hoàn tất thủ tục trả sách cho thư viện. Sách ngay lập tức được ghi nhận vào hệ thống và sẵn sàng phục vụ.
– Hệ thống trả sách 24h và phân loại tự động: cho phép bạn đọc trả sách vào bất kỳ thời điểm nào, kể cả khi thư viện đóng cửa. Hệ thống bao gồm một (hoặc nhiều) cửa trả sách đặt tại sảnh ngoài thư viện, bên trong có thể bao gồm dây chuyền phân loại tự động đưa sách vào các thùng đã được định trước (theo chủng loại, môn loại hoặc theo khu vực…).
– Tủ tự động mượn trả/Cabin tự động mượn trả: có thể đặt các tủ/cabin bên trong hoặc bên ngoài thư viện (các vị trí như ký túc xá, giảng đường, ga tàu, công viên…) để bạn đọc tự làm thủ tục mượn hoặc trả sách mà không cần trợ giúp của thủ thư. Tủ có sức chứa từ vài trăm đến hàng ngàn tài liệu, được kết nối đến cơ sở dữ liệu chính của thư viện và phục vụ bạn đọc chỉ thông qua hình thức quẹt thẻ.
– Các phần mềm cho phép việc điều khiển, theo dõi, giám sát, tương tác từ xa trong toàn hệ thống RFID. Các phần mềm này thường được triển khai dưới dạng điện toán đám mây, có thể truy cập mọi nơi mọi lúc.
– Thiết bị đọc tài liệu số: chúng ta đều biết tài liệu số hiện nay đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong cấu thành các nguồn lực thông tin. Để đáp ứng xu thế này, các thiết bị đọc tài liệu số là cần thiết trong phục vụ bạn đọc tại thư viện. Việc đọc trên máy tính (desktop, laptop) đôi khi gây ra các bất tiện không đáng có vì tính không cơ động của các thiết bị này. Các thiết bị đọc trên máy tính bảng sẽ là tiện dụng hơn rất nhiều và đặc biệt là nó cho phép việc tự đăng ký mượn trả thiết bị của bạn đọc và qua đó có thể truy cập vào các bộ sưu tập tài liệu số của thư viện. [1]
2.4. Các giải pháp, sản phẩm khác
– Giải pháp kiểm soát ra vào, kiểm soát đặt chỗ (access-control): Hầu hết các thư viện mang tính phục vụ cộng đồng hiện nay đều được thiết kế và tổ chức dưới mô hình thư viện mở. Tuy là mô hình “mở” nhưng đương nhiên vần cần có sự quản lý giám sát, tự động hóa và thống kê việc sử dụng các dịch vụ thư viện, việc ra/vào các khu vực, phòng, hoặc thậm chí cả việc sử dụng các thiết bị đa phương tiện yêu cầu sử dụng có điều kiện. Để làm được điều này, thư viện có thể sử dụng các hệ thống kiểm soát ra vào, kiểm soát đặt chỗ (access-control) hoàn toàn được tự động hóa và được điều khiển theo dõi qua phần mềm trung tâm.
– Giải pháp trình diễn tài liệu số:
Thiết bị đọc sách 3D: Sách, thường là sách quý hiếm, được số hóa dưới dạng 3D, sau đó được đưa lên màn hình 3D có thể tương tác. Màn hình này thường được đặt tại sảnh hoặc khu trưng bày, khu truyền thống của thư viện, cho phép bạn đọc nhìn ngắm, tương tác hoặc thậm chí là đọc sách tại chỗ.
Tủ trưng bày và trình diễn tài liệu dạng 2D, 3D: được thiết kế dạng tủ trưng bày 4 mặt, có mặt kính cảm ứng để tương tác. Thư viện có thể lựa chọn để đặt các bộ sưu tập quý và có giá trị của mình tại tủ trưng bày này, bao gồm sách, báo, tranh ảnh, video, hoặc các vật thể 3D đã được số hóa… Tương tự như sản phẩm ở trên, người thăm quan và bạn đọc có thể nhìn ngắm, tương tác hoặc thậm chí là đọc tài liệu tại chỗ.
– Giải pháp vệ sinh, khử trùng tài liệu: Việc đảm bảo vệ sinh cho tài liệu không những giúp cho việc bảo quản tài liệu được lâu dài hơn mà quan trọng là giúp cho những người dùng từ thủ thư cho tới bạn đọc an toàn và có nhiều cảm hứng hơn khi tiếp xúc với tài liệu. Chính vì thế đã có những loại thiết bị cho phép việc vệ sinh và khử trùng tài liệu một cách tự động, qua đó tài liệu được sạch sẽ và tạo nhiều cảm xúc hơn khi đến với tay các bạn đọc.
– Giải pháp dành cho người khiếm thị:
Thiết bị phóng đại chữ dạng để bàn, cầm tay: có các chức năng chiếu sáng, phóng đại, điều chỉnh sao cho phù hợp nhất cho người khiếm thị.
Phần mềm giúp đọc màn hình, có thể hỗ trợ tiếng Việt.
– Giải pháp phòng đọc thiếu nhi: Gồm các bộ học cụ, dụng cụ giúp lắp ráp điều chỉnh, lập trình theo các chương trình và chủ đề khác nhau từ tiểu học, THCS, THPT.
Các học cụ STEM (STEM: Science, Technology, Engineering, Maththematic. Sau này thêm Art thành STEAM) giúp thiết kế, lắp ráp, sáng tạo, lập trình theo các nguyên lý của khoa học ứng dụng. Ví dụ: Bàn tương tác là bộ bàn máy tinh bảng màn hình cảm ứng từ 20 inch – 50 inches hoặc lớn hơn, giúp trẻ em thực hiện các chương trình cần tương tác, chơi game…
– Giải pháp bảo quản tài liệu: Tài liệu lưu trữ lâu năm gặp vấn đề về mối mọt, côn trùng, bọ gây hại đục khoét, làm tổ, đẻ trứng bên trong tài liệu. Dùng phương pháp tốt nhất hiện nay là dùng phương pháp yếm khi, sử dụng khí nito để tiêu diệt và xử lý tất cả các vấn đề nêu trên.
3. Kết luận
Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong ngành Thư viện nói chung và với hệ thống Thư viện công cộng tại Việt Nam nói riêng sẽ tạo ra những hiệu quả tích cực, góp phần phát triển các Thư viện Việt Nam trong thời kỳ của cuộc Cách mạng 4.0 đang bùng nổ, phục vụ người dùng tin được hiệu quả; như phần đầu đề cập tới là để thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.
Để được tư vấn cụ thể hơn về các giải pháp và sản phẩm vui lòng liên hệ:
VP Hà Nội: Biệt thự B2 Lô 18 Khu đô thị mới Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội
contact@idtvietnam.vn
Liên hệ chung: 024.3222.2720
Giải pháp Thư viện: 024.62911401 hoặc 038.786.5698
VP TP HCM: P.408, 43/4 Thành Thái, Phường 14, Quận 10, TP.HCM
tuanlq@idtvietnam.vn
Liên hệ chung: 028.2229.5501
Hotline: 0938.651.659
_______________________________________________________________________________________________
Tài liệu tham khảo:
[1] Dương Đình Hòa (2021) Mô hình và giải pháp công nghệ ứng dụng trong thư viện
[2] Dương Đình Hòa, Ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý và tự động hóa thư viện, truy cập vào ngày 04/06/2021 tại địa chỉ: https://idtvietnam.vn/vi/ung-dung-cong-nghe-rfid-trong-quan-ly-va-tu-dong-hoa-thu-vien-320
[3] Dương Đình Hòa (2019), Ứng dụng giải pháp công nghệ trong hoạt động của thư viện, Kỷ yếu Hội nghị – Hội thảo: Tổng kết công tác ứng dụng Khung phân loại thập phân Dewey, ấn bản 23 tiếng Việt trong các thư viện Việt Nam (2014 – 2019), Thư viện Quốc gia Việt Nam, Đà Nẵng, tr.230 – 244.
[4] Hải Anh (2019), Dịch vụ thông tin – thư viện xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin, truy cập vào ngày 04/06/2021 tại địa chỉ: https://idtvietnam.vn/vi/dich-vu-thong-tin-thu-vien-xay-dung-tren-nen-tang-cong-nghe-thong-tin-954
[5] Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định Số: 206/QĐ-TTg QUYẾT ĐỊNH Phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”
____________________________________________________________________________________________________
Tổng hợp nội dung: Hải Anh
Hình ảnh bài viết: IDT
Ảnh bìa: Sưu tầm internet
Ngày đăng: 04/ 06/ 2021