Đề xuất xây dựng sản phẩm và dịch vụ phục vụ người nghèo theo định hướng mô hình Learning Commons tại Thư viện Công cộng
TÓM TẮT: Bài viết đề cập đến vấn đề người nghèo tại Việt Nam nói chung, cùng các cách định nghĩa, phân loại, nhu cầu tin căn bản của họ. Từ đó đề xuất xây dựng những sản phẩm và dịch vụ cơ bản phục vụ người nghèo dựa theo các khu vực chức năng (16 khu vực) theo định hướng mô hình Learning Commons (Công ty IDT) vào Thư viện Công cộng với sự phân tích và tổng kết ý nghĩa của công việc này.
TỪ KHÓA: Người nghèo, Thư viện Công cộng, Sản phẩm, Dịch vụ, Mô hình thư viện, Learning Commons
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong “Báo cáo về nghèo đa chiều ở Việt Nam: Giảm nghèo ở tất cả chiều cạnh để đảm bảo cuộc sống có chất lượng cho mọi người” do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (MOLISA), Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (CAF/VASS), Tổng cục Thống kê (GSO) và các cơ quan chức năng cùng các tổ chức, cá nhân khác hợp tác nghiên cứu thì có nhận định rằng “Giảm nghèo ở Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng kể và được quốc tế ghi nhận: tỷ lệ nghèo trên đầu người (tính theo chi tiêu tiền tệ) đã giảm mạnh từ 57% năm 1990 xuống còn 13.5% năm 2014. Nhận thức được chất lượng cuộc sống của con người liên quan đến nhiều khía cạnh khác ngoài thu nhập, năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, đánh dấu bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ đo lường nghèo theo thu nhập sang đo lường đa chiều. Là một trong số những nước đi đầu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều để giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh, trong Kế hoạch phát triển Kinh tế Xã hội (2016-2020), Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân cả nước là 1% – 1.5%/năm và riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm.” [6]
Có thể thấy rằng cho đến nay theo như “Báo cáo tình hình Kinh tế – Xã hội năm 2019 và Kế hoạch phát triển Kinh tế – Xã hội năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV có phát biểu rằng trong 6 tháng đầu năm năm 2019: “Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 – 1,5% (còn khoảng 3,73 – 4,23%); trong đó các huyện nghèo giảm trên 4%” [9]. Vậy có nghĩa là Việt Nam ta trong những năm qua với nhiều chính sách, chủ trương, chương trình của Đảng, Nhà nước, cùng nỗ lực của các tổ chức, cá nhân liên quan đã giảm được số lượng người, hộ nghèo đáng kể trên toàn quốc. Tuy nhiên nhìn lại thì vấn đề hiện trạng “nghèo” vẫn đang còn tiếp diễn tại Việt Nam (vào khoảng 4%), vì vậy để tiếp tục trong công tác “xóa đói giảm nghèo” được hiệu quả tiếp bước, giữ ổn định nền kinh tế nước nhà, các tầng lớp xã hội của Việt Nam không bị chênh lệch, mất ổn định thì chúng ta vẫn phải nỗ lực không ngừng khi đưa ra các giải pháp hợp lí để giải quyết việc này.
Thư viện được đánh giá như một thiết chế quan trọng của xã hội [13], chính vì vậy có thể nói trong công tác giảm nghèo thư viện cũng đã góp một phần sức lực của mình vào đó. Về cơn bản thư viện nói chung cung cấp các loại thông tin hữu ích, tạo điều kiện cho nơi làm việc và học tập tại không gian đầy đủ tiện nghi với các sản phẩm và dịch vụ đa dạng để phục vụ người dùng tin (trong đó có cả người nghèo). Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là liệu những dịch vụ và sản phẩm thông tin thư viện thông thường đó có đủ, và có đáp ứng được các nhu cầu của người nghèo, giúp người nghèo thoát khỏi các tình trạng khó khăn, thiếu thốn đang có không? Tác giả với sự quan sát, nghiên cứu về định hướng mô hình Learning Commons tại thư viện Việt Nam đã nhận ra sự tiện lợi, cũng như ưu điểm nhất định của phương pháp xây dựng mô hình này có thể áp dụng đến nhiều loại thư viện khác nhau của Việt Nam, một trong những điểm nổi bật đó là coi người dùng tin là trung tâm của mọi hoạt động [1], mà người dùng tin ở đây như đã nhắc ở trên là có bao gồm cả những người nghèo. Chính vì vậy, tác giả nghiên cứu ứng dụng mô hình Learning Commons vào Thư viện Công cộng – một thư viện gần gũi với người dân, được phát triển, xây dựng trong khắp 63 tỉnh thành trên cả nước với “Đề xuất xây dựng sản phẩm và dịch vụ phục vụ người nghèo theo định hướng mô hình Learning Commons tại Thư viện Công cộng” hướng tới vì một tương lai cả nước không còn người nghèo.
2. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
2.1. Khái niệm về người nghèo
Theo Hội Thư viện Hoa Kỳ, người nghèo là những người “… chịu ảnh hưởng bởi một loạt những hạn chế bao gồm thất học, bệnh tật, bị tách biệt về mặt xã hội, vô gia cư, chịu cảnh đói khát, bị kỳ thị đối xử…” [7]
Theo Tổ chức Liên hợp quốc (UN): “Nghèo là thiếu năng lực tối thiểu để tham gia hiệu quả vào các hoạt động xã hội. Nghèo có nghĩa là không có đủ ăn, đủ mặc, không được đi học, không được khám chữa bệnh, không có đất đai để trồng trọt hoặc không có nghề nghiệp để nuôi sống bản thân, không được tiếp cận tín dụng. Nghèo cũng có nghĩa là không an toàn, không có quyền, và bị loại trừ, dễ bị bạo hành, phải sống trong các điều kiện rủi ro, không tiếp cận được nước sạch và công trình vệ sinh.” [4]
Theo Thạc sĩ Ngô Hồng Diệp (Đại học RMIT Hà Nội) thì:“..có thể thấy rõ rằng người nghèo có mức sống rất thấp, gặp rất nhiều thiệt thòi, ít có cơ hội tiếp cận thông tin và các dịch vụ viễn thông. Nghiên cứu của nhiều nước cho thấy lợi ích thực sự của tăng trưởng kinh tế ít đến được với nhóm người chịu thiệt thòi này.” [7]
Theo Wikipedia thì: “Nghèo diễn tả sự thiếu cơ hội để có thể sống một cuộc sống tương ứng với các tiêu chuẩn tối thiểu nhất định. Thước đo các tiêu chuẩn này và các nguyên nhân dẫn đến nghèo nàn thay đổi tùy theo địa phương và theo thời gian. Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa nghèo theo thu nhập. Theo đó một người là nghèo khi thu nhập hàng năm ít hơn một nửa mức thu nhập bình quân trên đầu người hàng năm (Per Capita Incomme, PCI) của quốc gia.” [5]
Vậy từ các yếu tố trên ta có thể hiểu Người nghèo là những người có đời sống thấp, bị hạn chế, gặp thiệt thòi, ít có điều kiện và kinh tế để tiếp cận đến các vấn đề về thông tin, quyền lợi, nghĩa vụ.. của văn hóa, xã hội, giáo dục…
2.2. Phân loại người nghèo
Người nghèo về mặt lý thuyết được Wikipedia phân loại thành hai nhóm là “nghèo tương đối” và “nghèo tuyệt đối”. [5]
Nghèo tương đối được hiểu là: “Nghèo tương đối có thể là khách quan, tức là sự hiện hữu không phụ thuộc vào cảm nhận của những người trong cuộc. Người ta gọi là nghèo tương đối chủ quan khi những người trong cuộc cảm thấy nghèo không phụ thuộc vào sự xác định khách quan. Bên cạnh việc thiếu sự cung cấp vật chất (tương đối), việc thiếu thốn tài nguyên phi vật chất ngày càng có tầm quan trọng hơn. Việc nghèo đi về văn hóa-xã hội, thiếu tham gia vào cuộc sống xã hội do thiếu hụt tài chính một phần được các nhà xã hội học xem như là một thách thức xã hội nghiêm trọng.”
Nghèo tuyệt đối được Robert McNamara (Nguyên Giám đốc Ngân hàng Thế giới) nhận định như sau: “Nghèo ở mức độ tuyệt đối… là sống ở ranh giới ngoài cùng của tồn tại. Những người nghèo tuyệt đối là những người phải đấu tranh để sinh tồn trong các thiếu thốn tồi tệ và trong tình trạng bỏ bê và mất phẩm cách vượt quá sức tưởng tượng mang dấu ấn của cảnh ngộ may mắn của giới trí thức chúng ta.”
Chung quy khi phân loại hay định nghĩa về người nghèo như nào thì ta vẫn biết những người thuộc diện nghèo về nhiều lí do khác nhau vẫn thuộc nhóm những người thiếu hụt khả năng tiếp cận với các thông tin có trong xã hội.
2.3. Nhu cầu tin của người nghèo
Theo cá nhân tác giả, người nghèo với cương vị là một người dùng tin tại thư viện thì cũng có những nhu cầu tin cơ bản như những người dùng tin khác về các vấn đề như: giải trí, giáo dục và đào tạo… Chỉ có điều nhu cầu tin của họ luôn bị ảnh hưởng, chịu sự tác động trực tiếp từ đời sống mưu sinh của họ. Trên thực tế những người nghèo là những người thiếu thốn mọi thứ, họ thiếu thốn cả về thông tin theo đúng nghĩa cho nên đối với người nghèo, về mặt bản chất nhu cầu tin của họ rất lớn.
Cũng theo vấn đề này Thạc sĩ Ngô Hồng Diệp (Đại học RMIT Hà Nội) có nhận định về các loại nhu cầu tin cụ thể của họ như sau:
“- Thông tin về các chương trình/ chính sách xoá đói, giảm nghèo của nhà nước và địa phương;
– Thông tin liên quan đến các cơ hội việc làm, giáo dục, y tế, hỗ trợ và tư vấn pháp lý, phúc lợi xã hội;
– Thông tin phục vụ cho sự phát triển năng lực của bản thân…” [7]
3. THƯ VIỆN CÔNG CỘNG LÀM NHỮNG GÌ ĐỂ PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO
Wikipedia có nhận định những nguyên nhân chính dẫn đến việc nghèo: “Những nguyên nhân chính dẫn đến nghèo được liệt kê ra là chiến tranh, cơ cấu chính trị (thí dụ như chế độ độc tài, các quy định thương mại quốc tế không công bằng), cơ cấu kinh tế (phân bố thu nhập không cân bằng tham nhũng, nợ quá nhiều, nền kinh tế không có hiệu quả, thiếu những nguồn lực có thể trả tiền được), thất bại quốc gia, tụt hậu về công nghệ, tụt hậu về giáo dục, thiên tại, dịch bệnh, dân số phát triển quá nhanh và không có bình đẳng nam nữ.” [5]
Ta có thể thấy rõ ràng trong đây có hai vấn đề là “tụt hậu về công nghệ” và “tụt hậu về giáo dục” được Wikipedia nhắc đến là một trong những nguyên chính dẫn đến việc nghèo, vậy để xóa bỏ được cái nghèo cũng có thể hiểu là làm sao để cung cấp thông tin chính xác, có đào tạo bài bản về “giáo dục” và “công nghệ” cho những người rất thiếu thông tin (nghèo) về hai lĩnh vực đó. Tại Thư viện Công cộng việc giải quyết đó sẽ được thực hiện bằng các sản phẩm và dịch vụ đa dạng mà Thư viện có để người dùng tin khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên thông tin tại Thư viện được hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc, nâng cao tri thức. Vậy theo ý kiến cá nhân của tác giả thì Thư viện Công cộng hỗ trợ, phục vụ người nghèo chủ yếu ở mặt cung cấp tri thức về hai lĩnh vực chính trong xã hội hiện nay là giáo dục và công nghệ thông tin, hai vấn đề luôn nổi trội trong mỗi thời đại.
4. XÂY DỰNG SẢN PHẨM VÀ DỊCH VỤ PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO THEO ĐỊNH HƯỚNG MÔ HÌNH LEARNING COMMONS TẠI THƯ VIỆN CÔNG CỘNG
4.1. Định hướng mô hình Learning Commons theo công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ số (IDT) tại Thư viện Công cộng
Công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ số (IDT) là một công ty có tính chuyên môn hóa cao với các giải pháp chuyên nghiệp về các lĩnh vực thư viện như: Hệ thống an ninh thư viện, Tự động hóa thư viện, Số hóa tài liệu thư viện, Xây dựng liên kết thư viện,… Công ty với tiêu chí là luôn muốn đem những điều tốt đẹp nhất đến với khách hàng vì vậy đã nghiên cứu, đề xuất ra định hướng mô hình Learning Commons – mô hình thư viện mở áp dụng các trang thiết bị, cơ sở vật chất bằng công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ tiện ích hướng tới nhu cầu của người dùng tin; coi người dùng tin là trung tâm của mọi hoạt động của mình đến với các thư viện tại Việt Nam. [1]
Theo Công ty IDT thì có 16 khu vực chính của một định hướng mô hình Learning Commons, cụ thể tại Thư viện Công cộng thì tác giả với kinh nghiệm làm việc tại Công ty IDT có thể hiểu và phân tích cụ thể như sau:
- Không gian chung: thường là đại sảnh chính của thư viện, nơi trang trí với nhiều hình vẽ, vật dụng bắt mắt, thân thiện, cài đặt với các hệ thống an ninh như: bộ cổng an ninh RFID có thể mở rộng thành nhiều cánh và lối đi (2 cánh 1 lối đi, 3 cánh 2 lối đi), các thiết bị camera giám sát…
- Quầy thông tin: nơi làm việc của cán bộ thư viện bộ phận Dịch vụ, chuyên giải đáp các thắc mắc, hướng dẫn người dùng tin sử dụng các dịch vụ tại thư viện. Tại đây sẽ có Kiosk tra cứu tài liệu phục vụ công tác tìm kiếm tài liệu cho người dùng tin.
- Khu vực không gian chia sẻ S.hub: không gian sáng tạo với nhiều ứng dụng công nghệ, với các hoạt động định hướng đến công nghệ thông tin [8] vào việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên thông tin của thư viện. Có các thiết bị chuyên dụng của thư viện như: máy Kiosk tra cứu sách, tủ mượn sách mini, giá trả sách thông minh…
- Kho mượn: nơi này trang bị các máy Kiosk tra cứu tài liệu, trạm thủ thư, giá trả sách thông minh, trạm mượn trả 24/7 giúp cho người dùng tin đến thư viện có thể dễ dàng làm thủ tục mượn/ trả tài liệu. Ngoài ra có thể lắp đặt thêm máy khử trùng tài liệu ngay tại đây, trước những trường hợp tài liệu có khá nhiều bụi bẩn có thể đem vào máy để làm sạch rồi mới cho người dùng tin mượn về để sử dụng.
- Trung tâm đa phương tiện: trung tâm lắp đặt hệ thống các bộ máy tính có cài đặt theo nhiều tiện ích công nghệ để người dùng tin có thể khai thác và sử dụng triệt để tính năng của khu vực này.
- Phòng đào tạo người dùng tin: phòng dành cho công việc đào tạo về kiến thức thông tin do thư viện bố trí, có hệ thống màn chiếu, máy tính cơ bản để phục vụ công tác giảng dạy này.
- Phòng đọc doanh nhân: phòng đọc đặc biệt phải trả phí cao hơn so với phí thẻ bạn đọc thông thường, trong phòng có bố trí Kiosk tra cứu sách, máy chiếu, máy vi tính, hệ thống làm ấm/ mát, cùng các loại sofa… để phục vụ các doanh nhân có nhu cầu đăng kí sử dụng. Người dùng tin là các doanh nhân tại đây còn có quyền truy cập vào các bộ Cơ sở dữ liệu Quốc tế để tham khảo về các vấn đề mình quan tâm đến kinh tế, thuế , luật… với nhiều tiện ích, hình ảnh, sơ đồ dưới dạng các tài liệu số khác nhau như tạp chí, sách, báo… thông qua các bộ Cơ sở dữ liệu như OECD iLibrary, ITU iLibrary…
- Khu tự học: khu vực được bày trí xen kẽ nhiều giá sách với nhiều loại chủ đề thông dụng khác nhau với các khu vực để bàn ghế ngồi cho người dùng tin sử dụng.
- Khu vực đọc của thiếu nhi: khu vực đặc biệt với toàn bộ bàn ghế, trang thiết bị tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em, cách xa với các khu vực có trang thiết bị hiện đại khác. Trong khu vực này được trang trí với nhiều hình ảnh đáng yêu, bắt mắt… gây thiện cảm với các em như hình vẽ các nhân vật trong hoạt hình, cổ tích… Thường xuyên có các hoạt động hướng dẫn đọc sách cho các em thiếu nhi, định hướng phương pháp đọc và cách tiếp cận tri thức.
- Khu vực làm việc nhóm: khu vực sử dụng theo nhóm, thường là học nhóm được thuê hoặc đăng ký mượn từ trước có lắp đặt hệ thống Access Controller, máy đặt chỗ…
- Căng – tin: khu vực bán các đồ ăn và đồ uống theo dạng tiện lợi cho người dùng tin tại thư viện.
- Khu vực in ấn/ photo: nơi để các loại máy photo, Scan – Số hóa thông minh, thông minh, bán tự động của thư viện để phục vụ người dùng tin sử dụng.
- Khu trưng bày giới thiệu sách mới: nơi trưng bày sách theo chủ đề triển lãm của thư viện, hoặc giới thiệu sách mới. Hỗ trợ bằng máy chiếu, thiết bị trình diễn tài liệu.
- Khu ấn phẩm xuất bản của địa phương: khu vực trưng bày hoặc bán các sản phẩm, ấn phẩm về địa phương hoặc do địa phương làm ra.
- Khu học của học sinh: khu vực dành cho học sinh của địa phương, phối hợp với các trường học tại địa phương thường xuyên các ngày trong tuần tổ chức các buổi học, đọc sách tại thư viện, chính vì vậy tại khu vực này có các loại tài liệu cơ bản về các môn học đươc dạy tại các trường học theo đúng chương trình giáo dục hiện hành của nhà nước, cùng các loại sách văn học kinh điển căn bản, các loại sách tham khảo khác. Ngoài ra khu vực này còn có lắp đặt máy tính, màn chiếu,…
- Khu hành chính thư viện: khu làm việc của các cán bộ thư viện, phần nhiều thuộc bộ phận Biên mục mô tả, Số hóa, và lãnh đạo thư viện, chính vì vậy cần các loại máy Scan – Số hóa chuyên dụng, phần mềm quản trị tích hợp thư viện, trạm thủ thư để lập trình tài liệu, máy tính,…
4.2. Xây dựng các sản phẩm và dịch vụ theo định hướng mô hình Learning Commons (Công ty IDT) tại Thư viện Công cộng
Khi định hướng mô hình Learning Commons với 16 khu vực như đã kể trên thì việc xây dựng các sản phẩm và dịch vụ thông tin thư viện tại Thư viện Công cộng sẽ dựa vào các khu vực đó để tạo ra cơ hội tiếp cận, đào tạo, nghiên cứu… cho người dùng tin nói chung về lĩnh vực giáo dục và đào tạo công nghệ. Nhưng để xây dựng được các sản phẩm dịch vụ phù hợp cho người nghèo trước hết thư viện phải thực hiện các yêu cầu cơ bản như sau:
- Không thu phí hoặc thu phí rất thấp với các hoạt động có tính phí tại thư viện đối với người nghèo (bao gồm làm thẻ bạn đọc, photo tài liệu, đăng ký sử dụng phòng học…)
- Luôn mở cửa đối với người nghèo, sẵn sàng, nhiệt tình phục vụ, không phân biệt trình độ văn hóa, giai cấp, địa vị xã hội của họ. Luôn tạo ra cảm giác thân thiện cho người nghèo khi đến thư viện.
- Các dịch vụ và sản phẩm cơ bản của thư viện sẽ luôn linh hoạt với đối tượng sử dụng là người nghèo sao cho phù hợp, tiếp cận với họ môt cách dễ dàng hơn.
- Các sản phẩm và dịch vụ thư viện đặc thù cho người nghèo được thành lập dựa trên tình hình nhu cầu thực tế của họ.
- Vốn tài liệu thư viện sẽ có những loại tài liệu liên quan đến xóa đói giảm nghèo; các chính sách, quy định, chương trình của định của Nhà nước về việc hỗ trợ người nghèo,…
- Người cán bộ thư viện cần phải có những kiến thức căn bản về việc hỗ trợ thông tin cần thiết phục vụ nhu cầu của người nghèo (các chính sách của pháp luật, điều kiện bắt buộc khi thư viện phục vụ người nghèo…)
Sau khi đạt được các tiêu chí cơ bản đó các sản phẩm và dịch vụ thông tin thư viện sẽ được thực hiện.
4.2.1. Sản phẩm và dịch vụ chung đáp ứng nhu cầu về giáo dục và công nghệ
Khi Thư viện Công cộng được xây dựng, định hướng theo mô hình Learning Commons là đã nhấn mạnh đến yếu coi người dùng tin là trung tâm của mọi hoạt động, mà đặc biệt là có ứng dụng nhiều trang thiết bị công nghệ trong đó. Bản thân khi nghĩ đến thư viện người ta thường đơn giản nghĩ đến việc phục vụ phát triển văn hóa đọc của thư viện, đóng góp nhiều cho giáo dục. Vì vậy mô hình Learning Commons tại Thư viện Công cộng là một mô hình đáp ứng nhu cầu cả về giáo dục và công nghệ khi mà định nghĩa thư viện vốn là một nơi để học tập, thì việc trang bị nhiều thiết bị sản phẩm công nghệ tại đấy khiến người dùng tin phải học cách thao tác, tiếp cận, để sử dụng do vậy kĩ năng về công nghệ thông tin vô hình chung sẽ được cải thiện.
Với đặc thù 16 khu vực chức năng của Công ty IDT đã liệt kê ở trên cho một Thư viện Công cộng định hướng theo mô hình Learning Commons thì các dịch vụ sản phẩm và dịch vụ của thư viện đó đều mang tính chất về cả giáo dục lẫn công nghệ. Nhưng để tiện cho việc phân loại hoạt động, tổ chức thư viện được rõ ràng tác giả sẽ phân ra các khu vực theo chức năng nổi bật nhất của khu vực đó là về công nghệ hay giáo dục để phân tích, ở phần đầu này tác giả sẽ chỉ ra hai khu vực được coi là mang cả hai yếu tố về giáo dục và công nghệ nổi bật đó chính là:
- Khu vực (2) Quầy thông tin: khu vực này là nơi chuyên để giải đáp, tư vấn cho người dùng tin vì vậy các thông tin về các kĩ năng cơ bản để sử dụng trang thiết bị công nghệ lẫn cách khai thác, tìm kiếm, sử dụng các tài liệu về kiến thức về giáo dục phổ thông, công nghệ thông tin của người dùng tin (người nghèo) đều ở đây. Các dịch vụ được triển khai như tra cứu thông tin, hỏi đáp thông tin, phổ biến thông tin có chọn lọc.
- Khu vực (6) Phòng đào tạo người dùng tin: vì là khu vực để phục vụ cho việc sử dụng dịch vụ đào tạo kiến thức thông tin cho người dùng tin của thư viện nên đây là khu vực đặc biệt tích hợp cả hai yếu tố giáo dục phổ cập kiến thức, kĩ năng tìm kiếm, thu thập, phân loại và xử lý thông tin trong xã hội ngày nay và hướng dẫn sử dụng các ứng dụng thiết bị công nghệ cơ bản đang thịnh hành cho người dùng tin (người nghèo).
4.2.2. Sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu về giáo dục
Tại mô hình Learning Commons Thư viện Công cộng có các khu vực được triển khai sản phẩm và dịch vụ cụ thể về đáp ứng nổi bật về nhu cầu giáo dục như sau:
- Khu vực (8) Khu tự học: ngay từ cái tên của khu vực này đã cho ta thấy có sự liên quan đến giáo dục, khu vực này được bài trí hợp lí để phục vụ dịch vụ đọc tại chỗ cho người dùng tin, giúp những người dùng tin là người nghèo cảm thấy thoải mái nhất với các thiết kế ghế ngồi đẹp mắt, tiện nghi. Những người nghèo có thể được hỗ trợ bởi các sản phẩm thông tin là các bản thư mục, các bản tóm tắt tài liệu để hỗ trợ cho việc tự học của mình ở đây.
- Khu vực (9) Khu vực đọc của thiếu nhi: với những trẻ em sinh ra trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo thì việc học sẽ bị ảnh hưởng nhiều do vấn đề kinh tế và các lí do khách quan khác. Tại khu vực này sẽ được triển khai dịch vụ giới thiệu sách, hướng dẫn đọc sách với tất cả đối tượng người dùng tin là thiếu nhi, không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội. Những trẻ em thuộc diện hộ nghèo vì thế mà được hướng dẫn, tiếp xúc hơn với các kĩ năng mềm, khả năng tư duy, khai mở tri thức khi đọc sách.
- Khu vực (10) Khu vực làm việc nhóm: thông thường khu vực này được dành riêng cho những nhóm người dùng tin đăng kí để học, nhưng đối với đối tượng là người nghèo thư viện có thể hỗ trợ bằng việc sử dụng dịch vụ tổ chức sự kiện, hội nghị, thảo luận liên quan đến các vấn đề thoát nghèo, các hướng đi cho người nghèo trong nền kinh tế khó khăn… liên kết với các tổ chức xã hội của Chính phi hoặc phi Chính phủ để thực hiện với một nhóm người nghèo nhất định thông qua nhiều buổi học, nhiều chủ đề.
- Khu vực (13) Khu trưng bày giới thiệu sách mới: với tiêu chí luôn giới thiệu những đầu sách mới và các sách có nội dung hay, đặc biệt gắn liền theo nhiều chủ đề khác nhau để triển lãm khu vực này được coi như là một trong những địa điểm gây truyền cảm hứng nhất về văn hóa đọc cho người dùng tin. Người nghèo khi tiếp xúc với một khu vực được bày trí tinh tế, các đầu sách được sắp đặt có chủ ý sẽ tạo ra cảm giác tò mò, thích thú, khơi gợi cho người nghèo những mong muốn về việc đọc sách.
- Khu vực (14) Khu ấn phẩm xuất bản địa phương: khu vực giàu tính truyền thống văn hóa của địa phương, các ấn phẩm của địa phương được trưng bày và triển lãm như ở khu vực (13) Khu trưng bày giới thiệu sách. Thậm chí chi tiết hơn ở đây có thể có những loại thư mục chuyên đề về địa phương để người dùng tin là người nghèo có thể khai thác và nghiên cứu để từ đó tìm ra các phương pháp tìm kiếm công việc phù hợp trong bối cảnh phát triển chung của khu vực mình sinh sống.
- Khu vực (15) Khu học của học sinh: cùng ý với khu vực (9) Khu vực đọc của thiếu nhi, có khác một điều là ở khu học này đối tượng là những em học sinh (đã được tiếp xúc với môi trường giáo dục chuyên nghiệp hơn là được dạy học tại nhà trường) thuộc diện những hộ nghèo được hướng dẫn học tập tại đây. Khu vực này chắc chắn sẽ có những bản thư mục chủ đề, thư mục chuyên đề liên quan đến các vấn đề giáo dục tại nhà trường thuộc các lĩnh vực như toán học, văn học, địa lí, lịch sử, hóa học, vật lý… Với những học sinh nghèo không có điều kiện để đi học thêm hay mua thêm sách tham khảo về để đọc thì việc học, đọc với những tài liệu, thư mục hướng dẫn học có sẵn tại thư viện sẽ là một điều lí tưởng.
4.2.3. Sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu về công nghệ
Tại mô hình Learning Commons Thư viện Công cộng có các khu vực được triển khai sản phẩm và dịch vụ cụ thể về đáp ứng nổi bật về nhu cầu công nghệ như sau:
- Khu vực (3) Khu vực không gian chia sẻ S.hub: các hoạt động định hướng về công nghệ được triển khai ở đây, vì vậy ngoài các dịch vụ hướng dẫn bạn đọc sử dụng máy móc cơ bản như tra cứu thông tin, khai thác tài liệu số hóa của thư viện, số hóa tài liệu để sử dụng, thì có thể có thêm các dịch vụ khác liên quan đến hướng dẫn về sử dụng, tìm hiểu, khai thác công nghệ thông tin cho những người nghèo, những người ít, hoặc không có cơ hội để học hỏi và có kĩ năng về công nghệ. Có thể là các dịch vụ cơ bản như: hướng dẫn sử dụng máy tính một cách căn bản, cách sử dụng phần mềm văn bản (Word) căn bản, cách ứng dụng tính năng của các app ứng dụng mạng xã hội một cách an toàn…
- Khu vực (5) Trung tâm đa phương tiện: đây sẽ là khu vực được trang bị nhiều máy tính, các kiến thức về công nghệ thông tin sẽ được những người nghèo tự thao tác thực tiễn ở đây và cũng từ đây họ sẽ tự tìm hiểu được thêm nhiều vấn đề khác.
- Khu vực (12) Khu vực in ấn/ photo: tương tự như các khu vực trên việc sử dụng các loại máy móc chuyên dụng về Scan – Số hóa hay Photocopy sẽ giúp họ có thêm các kĩ năng sử dụng về công nghệ.
5. KẾT LUẬN VÀ Ý NGHĨA CỦA VIỆC XÂY DỰNG DỊCH VỤ VÀ SẢN PHẨM THEO ĐỊNH HƯỚNG MÔ HÌNH LEARNING COMMONS (CÔNG TY IDT) TẠI THƯ VIỆN CÔNG CỘNG TRONG VIỆC PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO
Thư viện là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần giảm thiểu và xóa nhòa đi sự bất bình đẳng xã hội [3], chính vì vậy việc xây dựng các dịch vụ và sản phẩm theo định hướng mô hình Learning Commons (Công ty IDT) là một điều cần thiết, phù hợp với sự phát triển chung của nền kinh tế thế giới hiện nay, giúp người nghèo không bị tụt hậu bởi các vấn đề giáo dục, công nghệ thông tin làm tiền đề cho sự thoát nghèo tiến tới hòa nhập với cộng đồng, có cuộc sống ổn định hơn.
Nhưng cụ thể với định hướng mô hình Learning Commons tại Thư viện Công cộng như thế này thì các dịch vụ và sản phẩm được kiến tạo từ các khu vực chức năng riêng biệt phục vụ cho người nghèo có ý nghĩa như sau:
Đối với người nghèo:
- Phát triển văn hóa đọc, nâng cao các kĩ năng về đọc sách của người nghèo.
- Thúc đẩy các kĩ năng mềm, đặc biệt các kĩ năng về tìm kiếm, thu thập và xử lý thông tin cho người nghèo.
- Khuyến học, đề cao giáo dục, hướng người nghèo đến mục tiêu học tập để thoát nghèo.
- Tạo điều kiện để người nghèo sống, học tập, và làm việc hòa nhập với xã hội, bình đẳng không phân biệt giai cấp.
- Xóa bỏ sự tụt hậu về kiến thức, kĩ năng (giáo dục và công nghệ) cho người nghèo.
- Tạo điều kiện đưa công nghệ đến gần hơn đối với đối tượng là người nghèo.
Đối với thư viện:
- Thư viện hướng tới giảm thiểu sự bất bình đẳng xã hội.
- Phát triển thêm nhiều loại hình dịch vụ và sản phẩm mới, đa dạng hướng tới người dùng tin đặc biệt.
- Phát huy được hiệu quả các vai trò, chức năng của Thư viện Công cộng trong xã hội.
- Thu hút được nhiều người dùng tin hơn đến với Thư viện Cộng cộng.
Đối với người làm công tác thư viện:
- Trau dồi thêm được các kĩ năng tổ chức, khai thác dịch vụ và sản phẩm tại thư viện phục vụ người dùng tin đặc biệt (người nghèo).
- Nâng cao tầm nhận thức đúng đắn về người nghèo, góp phần trong công cuộc xóa nghèo, giảm nghèo.
Tóm lại mô hình Learning Commons là một mô hình hiện đại, hữu ích khi ta định hướng vào Thư viện Công cộng thì sẽ giúp phục vụ người nghèo một cách hiệu quả hơn trong công cuộc giảm nghèo, bình đẳng, phát triển xã hội.
_______________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Hải Anh (2019), Định hướng mô hình Lerning Commons tại Thư viện Đại học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, truy cập vào ngày 05/12/2019 tại địa chỉ: https://idtvietnam.vn/vi/dinh-huong-mo-hinh-learning-commons-tai-thu-vien-dai-hoc-gop-phan-nang-cao-chat-luong-giao-duc-va
[2] Hải Anh (2019), Dịch vụ Thông tin – Thư viện xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin, truy cập vào ngày 05/12/2019 tại địa chỉ: https://idtvietnam.vn/vi/dich-vu-thong-tin-thu-vien-xay-dung-tren-nen-tang-cong-nghe-thong-tin-954
[3] Hải Anh (2019), Thư viện góp phần giảm thiểu bất bình đẳng xã hội, truy cập vào ngày 05/12/2019 tại địa chỉ: https://idtvietnam.vn/vi/thu-vien-gop-phan-giam-thieu-bat-binh-dang-xa-hoi-942
[4] Đặng Nguyên Anh (2015), Nghèo đa chiều ở Việt Nam: Một số chính sách và thực tiễn, truy cập vào ngày 05/12/2019 tại địa chỉ: https://vass.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/KhoaHocCongNghe/View_Detail.aspx?ItemID=21
[5] Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Nghèo, truy cập vào ngày 05/12/2019 tại địa chỉ: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ngh%C3%A8o
[6] Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2018), Báo cáo về nghèo đa chiều ở Việt Nam: Giảm nghèo ở tất cả chiều cạnh để đảm bảo cuộc sống có chất lượng cho mọi người, truy cập vào ngày 05/12/2019 tại địa chỉ: https://www.undp.org/content/dam/vietnam/docs/Publications/Bao_Cao_MDP_16_Dec_2018.pdf
[7] Ngô Thị Hồng Diệp (2018), Thư viện công cộng trong bức tranh xóa đói giảm nghèo, truy cập vào ngày 05/12/2019 tại địa chỉ: http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/thu-vien-cong-cong-trong-buc-tranh-xoa-doi-giam-ngheo.html
[8] Đặng Dung (2016), Khai trương Không gian chia sẻ S.hub tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, truy cập vào ngày 05/12/2019 tại địa chỉ: http://nlv.gov.vn/tin-tuc-su-kien/khai-truong-khong-gian-chia-se-s.hub-tai-thu-vien-quoc-gia-viet-nam.html
[9] Nguyễn Xuân Phúc (2019), Báo cáo tình hình Kinh tế – Xã hội năm 2019 về Kế hoạch phát triển Kinh tế – Xã hội năm 2020 (Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV), truy cập vào ngày 05/12/2019 tại địa chỉ: http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Toan-van-Bao-cao-do-Thu-tuong-trinh-bay-truoc-Quoc-hoi/201910/26696.vgp
[10] Susan MCMUllen (2011), Mô hình không gian học tập chung hiện nay, http://gralib.hcmuns.edu.vn/bantin/bt1111/Bai2.pdf
[11] Lương Thị Thắm (2016), Xây dựng thư viện hiện đại theo hướng Learning Commons – Không gian học tập chung, Tạp chí Thư viện Việt Nam Số 4 (60), Hà Nội
[12] Lương Thị Thắm, Nguyễn Thị Khánh Ly (2019), Không gian thư viện hiện đại, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hà Nội, tr. 184 – 191
[13] Lê Văn Viết (2006), Thư viện thiết chế quan trọng của xã hội, Thư viện học: Những bài viết chọn lọc, NXB. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 13 – 19.
[14] https://idtvietnam.vn/ truy cập vào ngày 05/12/2019
____________________________________________
BÀI VIẾT: Hải Anh
ẢNH: Sưu tầm internet
ẢNH BÌA BÀI VIẾT: http://starlightcruises.vn/