Định hướng mô hình Learning Commons tại Thư viện Đại học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo
TÓM TẮT: Đã từ lâu trong nhiều công trình khoa học, giáo dục đã và luôn được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng giúp kiến tạo, xây dựng xã hội loài người phát triển. Để tạo lập một cơ chế giáo dục tốt phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như nguồn nhân lực, trang thiết bị cơ sở vật chất, kinh tế… Các yếu tố này phải song hành, liên kết chặt chẽ với nhau để tạo ra một mô hình giáo dục tối ưu. Trong những năm qua Thư viện trực thuộc Trường Đại học đã được đầu tư về nhiều mặt để phục vụ cho công tác giáo dục, chính vì vậy nhìn rộng ra trên thế giới hiện nay có rất nhiều mô hình thư viện xuất hiện, từ mô hình Thư viện Xanh, mô hình Thư viện Điện tử, mô hình Thư viện Hiện đại, mô hình Thư viện Thân thiện… sinh ra để nhằm áp dụng vào các mô hình Thư viện Đại học truyền thống, thay đổi tiến tới tiện nghi, đa dạng, hấp dẫn hơn đến với người sử dụng. Nhưng trên thực tế, tại Việt Nam để xây dựng các mô hình thư viện đã kể trên còn vướng mắc nhiều vấn đề như chính sách, cơ chế, hay nguồn kinh phí để đầu tư… Trong bài viết này với mong muốn góp phần một phần sức lực nhỏ của mình vào công cuộc phát triển thư viện, tác giả đề xuất, định hướng mô hình Learning Commons vào Thư viện Đại học ở Việt Nam, với các khái niệm, đặc điểm và ý nghĩa cơ bản đồng thời từ đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng, sự đóng góp của mô hình thư viện kiểu này đến với chất lượng giáo dục và đào tạo, đưa ra các phương án đầu tư, tổ chức hợp lí.
TỪ KHÓA: Learning Commons, Thư viện Đại học, Giáo dục, Đào tạo, IDT, Công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ số
1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Khái niệm
1.1.1. Mô hình Learning Commons
Theo tác giả Lương Thị Thắm (Nguyên nhân viên Phòng Giải pháp thư viện Công ty IDT) thì “Learning Commons được định nghĩa như một không gian giáo dục, tương tự như thư viện và lớp học trong đó có các không gian và hạ tầng thiết bị phục vụ việc đọc, nghiên cứu, tự học, làm việc nhóm, sáng tạo, gặp gỡ, hay đơn thuần chỉ là thư giãn… Learning Commons là sự kết hợp giữa thư viện với công nghệ thông tin và các dịch vụ hỗ trợ học tập nhằm cung cấp những dịch vụ tốt nhất đáp ứng được tối đa các nhu cầu của người dùng. Đây là một không gian học tập năng động với kiến trúc, nội thất, trang thiết bị công nghệ và cách thức tổ chức quản lí luôn hướng đến người dùng.” [16]
Theo tác giả Nguyễn Minh Hiệp (Nguyên Giám đốc Thư viện Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh) thì: “Learning Commons là một không gian học tập mang tính cộng động nơi mà sinh viên có thể tụ họp lại, nghiên cứu có định hướng, học tập và thư giãn. Như là một mô hình học tập của thế kỷ XXI, nơi mà cán bộ thư viện cùng với chuyên viên thông tin cộng tác với chuyên viên quản lý đào tạo trong trường học và đội ngũ công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ cùng sự hỗ trợ trên phạm vi rộng. Từ việc truy cập cơ sở dữ liệu trực tuyến, nghiên cứu trên internet đến việc cộng tác với những thầy giáo về những dự án có nghiên cứu tích hợp với công nghệ với việc sử dụng những trang thiết bị tin học (phần cứng, máy in, scanner, vv…).” [3]
Cùng đồng quan điểm với các lí luận trên Phòng Thông tin Khoa học Quân sự (Học viện Kĩ thuật Quân sự) cũng đã nhấn mạnh lại rằng: “Một mô hình Learning Commons đúng nghĩa bao gồm nhiều khu vực chức năng và thành phần công nghệ hiện đại, là sự kết hợp hài hòa giữa thư viện, trung tâm giảng dạy, trung tâm đa phương tiện và các dịch vụ hỗ trơ học tập khác nhau.” [10]
Từ các định nghĩa trên, tác giả có nhận định ngắn gọn lại về định nghĩa mô hình Learning Commons (không gian học tập chung) như sau: Đây là mô hình thư viện mở áp dụng các trang thiết bị, cơ sở vật chất bằng công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ tiện ích hướng tới nhu cầu của người dùng tin; coi người dùng tin là trung tâm của mọi hoạt động của mình.
1.1.2. Thư viện Đại học
Từ điển ALA (Từ điển giải nghĩa thư viện học và tin học Anh – Việt) có giải nghĩa về thuật ngữ University Library (Thư viện đại học) như sau: “Một thư viện hay một hệ thống thư viện, được đại học thành lập, hỗ trợ và quản trị để đáp ứng nhu cầu truy tìm thông tin của sinh viên, giáo sư và để hỗ trợ cho những chương trình giảng huấn và dịch vụ toàn trường.” [2]
Theo Quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện trường đại học (ban hành theo quyết định số 688/QĐ ngày 14 tháng 7 năm 1986 của Bộ trưởng BộĐH&THCN): “Thư viện trường đại học là một bộ phận trong cơ cấu tổ chức của trường đại học.” [13]
Theo Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động thư viện trường Đại học (ban hành theo Quyết định số 13/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 10/3/2008 của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL): “Thư viện trường đại học là một đơn vị trong cơ cấu tổ chức của trường đại học.” [12]
Từ đó, ta có thể hiểu rằng Thư viện Đại học là: Một bộ phận được xây dựng, hình thành trực thuộc bộ máy cơ cấu tổ chức của trường đại học với nhiệm vụ, vai trò phục vụ các công tác đặc thù với khả năng của mình trong môi trường giáo dục đại học.
1.1.3. Mô hình Learning Commons tại Thư viện Đại học
Tổng hợp lại từ hai khái niệm chính ở phần “Mô hình Learning Commons” và phần “Thư viện đại học” ta có định nghĩa về “Mô hình Learning Commons tại thư viện đại học” như sau: Đây là mô hình thư viện trực thuộc đại học có tính mở áp dụng các trang thiết bị, cơ sở vật chất bằng công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ tiện ích hướng tới nhu cầu của người dùng tin; coi người dùng tin là trung tâm của mọi hoạt động của mình hướng tới đào tạo, phát triển trong môi trường giáo dục.
1.2. Đặc điểm của mô hình Learning Commons tại Thư viện Đại học trong việc góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo
1.2.1. Đa dạng các không gian nghiên cứu và sáng tạo cho học tập
Mô hình Learning Commons thường xuất hiện dưới dạng xây dựng, thiết lập các phòng học đa chức năng cho người dùng. Ở các phòng học này chia thành nhiều chủ đề, phụ thuộc vào nhu cầu tin và quy mô của người dùng tin thuộc thư viện đó. Thường ta có thể thấy và bắt gặp các phòng học nhóm chuyên đề, không gian sáng tạo SHub, phòng tự học… và người dùng có thể đăng kí sử dụng các phòng học theo nhu cầu của mình.
Mỗi phòng học hay không gian trong mô hình Learning Commons đều trang bị các trang thiết bị tiện ích từ cơ bản cho đến nâng cao để phục vụ người dùng tin. Với những vật dùng là bảng, phấn, bút dạ, ghế ngồi, bàn… cơ bản thì còn có các trang bị về máy móc hiện đại hơn như máy tính, máy chiếu, máy quay, camera, micro,…
Việc xây dựng các phòng học, không gian đa chức năng như vậy tạo ra sự thu hút người dùng tin đến thư viện nhiều hơn. Người dùng tin đến thư viện sẽ cảm thấy thoải mái khi có nhiều lựa chọn không gian để học tập, sáng tạo tùy theo nhu cầu của mình. Bản thân chia nhỏ các không gian như vậy cũng là cách để người dùng tin có thể có những không gian riêng cho việc học tập của mình tại một không gian học tập chung; và ngược lại đồng thời nó cũng là một cách thức để giúp những người học tìm đến với nhau thông qua các vấn đề quan tâm, thông qua nội dung phòng học đã đăng kí để trao đổi, giao lưu với những người có vấn đề quan tâm giống mình tạo điều kiện nghiên cứu, học tập.
Mô hình Learning Commons với sự tiện nghi như một giảng đường thứ hai cho sinh viên, thậm chí là giảng viên có cơ hội học tập, nghiên cứu và trao đổi với nhau. Việc học sẽ không chỉ giới hạn và gò bó trên lớp nữa, nó sẽ được tiếp thực hiện ngoài giờ học chính quy. Theo tác giả Đinh Văn Nam giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW trong đó có phần “Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học” [6] thì từ đó ta có thể thấy với mô hình Learning Commons có thể đáp ứng, hỗ trợ điều này, việc học được chủ động và sáng tạo hơn tạo cảm hứng cho người học lúc này là người dùng tin tại thư viện một cách linh hoạt. Các phòng học, không gian học tập hỗ trợ người dùng tin học tập thông qua hệ thống trang thiết bị cơ sở vật chất được trang bị cùng các sản phẩm và dịch vụ thông tin của thư viện được sử dụng tại đó. Trong không gian Learning Commons đó người dùng tin có thể sử dụng học nhóm, làm bài tập cá nhân, hoặc đơn cử chỉ là sử dụng các tài liệu phục vụ vấn đề giải trí, thư giãn của mình.
1.2.2. Xây dựng các sản phẩm và dịch vụ thông tin phục vụ giáo dục trên nền tảng công nghệ
Đặc thù của mô hình Learning Commons là xây dựng được các sản phẩm và dịch vụ thông tin trên nền tảng công nghệ. Theo tác giả tác giả Nguyễn Minh Hiệp (Nguyên Giám đốc Thư viện Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh) thì thông thường mô hình Learning Commons cung cấp những dịch vụ sau:
- Những công tác thư viện bao gồm hướng dẫn thư viện, hỗ trợ nghiên cứu, mượn liên thư viện;
- Những trạm hỗ trợ công nghệ: máy tính, máy in, scanner…, đọc sách điện tử và những gói phần mềm;
- Hỗ trợ cung cấp những dịch vụ trực tuyến;
- Hỗ trợ dịch vụ đa phương tiện. [3]
Trong thời đại công nghệ tiên tiến hiện nay các sản phẩm và dịch vụ của thư viện đã được ứng dụng, xây dựng bởi các trang thiết bị công nghệ để tiến tới tối ưu giảm thời gian và sức lao động của con người nhưng lại tăng năng suất, chất lượng hiệu quả công việc. Đối với mô hình Learning Commons, một mô hình như đã định nghĩa ở trên là mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến vào trong thư viện để hoạt động thì việc xây dựng các sản phẩm và dịch vụ thông tin trên nền tảng công nghệ là điều hiển nhiên. Các bộ Cơ sở dữ liệu kiến thức chuyên ngành, các dạng thư mục chuyên đề dưới dạng điện tử cho đến các thiết Scan – Số hóa thông minh… được cài đặt, sử dụng tại thư viện phục vụ cho công tác tự học, tự nghiên cứu của người dùng tin. Nếu như ở trên giảng đường các sinh viên, giảng viên cùng trao đổi học tập với nhau thông qua các thiết bị công nghệ cơ bản như máy chiếu, Smart phone, hay Laptop thì khi đến thư viện bọn họ còn được hỗ trợ bởi các sản phẩm được sinh ra từ các ứng dụng của công nghệ, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… Mục đích của ứng dụng công nghệ trong hoạt động tại thư viện đại học chủ yếu là để phục vụ người dùng tin một cách hiệu quả, mà nhu cầu được người dùng tin ở thư viện đại học quan tâm nhất thuộc về học tập, chính vì vậy có thể nhấn mạnh lại rằng các sản phẩm và dịch vụ thông tin của mô hình Learning Commons tại thư viện đại học phục vụ giáo dục trên nền tảng công nghệ.
1.2.3. Lấy người dùng tin (người học) làm trung tâm của mọi hoạt động
Đã từng có một thời kì dài trong lịch sử của ngành thư viện người dùng tin không được coi là trung tâm của mọi hoạt động của thư viện, để tiếp xúc được với các tài liệu mình cần có trong thư viện người dùng tin đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm. Trong ngày nay mọi trang thiết bị máy móc sinh ra để phục vụ con người, người dùng tin khi bước chân vào một mô hình Learning Commons sẽ được hỗ trợ bởi các sản phẩm công nghệ trong việc thỏa mãn nhu cầu tin của mình. Người dùng tin sẽ được tra cứu tài liệu, mượn/ trả tài liệu, khai thác các thông tin thông qua các thiết bị máy móc chuyên dụng của thư viện.
Người dùng tin là một trong bốn yếu tố cấu thành nên thư viện, nếu không có người dùng tin thì mọi hoạt động của thư viện đều trở nên vô nghĩa. Người dùng tin hay người học có mối liên hệ khá chặt chẽ với Thư viện Trường Đại học trong nhiều khía cạnh, rõ nét nhất là mối quan hệ giữa “bên cung cấp tin” và “bên có nhu cầu tin”. Một thư viện hoạt động hiệu quả là một thư viện thỏa mãn được các nhu cầu tin của người dùng tin, làm tròn vai trò và chức năng của mình. Bà Nguyễn Thị Kim Dung (Khoa Thông tin – Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) đã có nhận định về mối quan hệ thư viện trường đại học với người dùng tin như sau: “Việc đổi mới giáo dục đại học theo học chế tín chỉ không chỉ tác động tới người dạy, người học, mà còn yêu cầu sự đầy đủ về nguồn học liệu nhằm đảm bảo quá trình học tập, nghiên cứu của giảng viên, sinh viên. Để quá trình giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên được thành công và để đào tạo ra những con người đáp ứng được nhu cầu của xã hội, chúng ta không thể không nhắc tới vai trò của thư viện (TV) trong nhà trường. Mô hình TV đại học ngày nay được xem là tiêu chí đánh giá chất lượng của một nền giáo dục. Do tính chất là một trung tâm thông tin – thư viện chuyên ngành, TV nhà trường sẽ là nơi tập trung đầy đủ nhất nguồn lực thông tin trong lĩnh vực đào tạo của trường. Vì thế TV trường đại học phải thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa người dùng tin (NDT) với nguồn lực thông tin, giữa NDT với NDT và giữa người dạy và người học. Chất lượng của hoạt động thư viện – thông tin (TVTT) trong nhà trường thể hiện ở mức độ đáp ứng nhu cầu tin (NCT) của sinh viên, giảng viên, đồng thời cũng là yếu tố kích thích NCT của họ ngày càng phát triển sâu sắc hơn, phong phú hơn.” [1]
Mô hình Learning Commons là một hình thư viện hiện đại tiên tiến phù hợp với sự phát triển của các thư viện sau này nên đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của người dùng tin, coi người dùng tin trung tâm của mọi hoạt động của mình.
1.2.4. Hiện đại hóa thư viện theo hướng mở về giáo dục
Thư viện đại học với việc xây dựng theo mô hình Learning Commons để thu hút người dùng tin đến để sử dụng sẽ được thiết lập theo cách thức mở. Càng đầu tư hiện đại đến đâu thì thư viện đại học càng phải chú ý đến tính mở trong công tác của mình. Tính mở của thư viện thể hiện ở các hình thức sản phẩm, dịch vụ của thư viện; quy hoạch kiến trúc; và hơn hết là cách thức quản lý và tổ chức.
Các sản phẩm và dịch vụ thông tin của thư viện phải đa dạng, bám sát thực vào nhu cầu tin của người dùng tin, người dùng tin có thể dễ dàng khai thác, không bị ràng buộc, phức tạp bởi nhiều vấn đề. Kiến trúc của thư viện phải thân thiện, hướng thư viện ở những nơi trung tâm, dễ dàng thuận tiện cho người dùng tin đi tới để học tập. Người quản lý và những người làm công tác thư viện phải ý thức được công tác hoạt động của thư viện hướng theo mô hình Learning Commons là để phục vụ cho một chiến lược giáo dục mở.
Hiện đại hóa thư viện theo hướng mở về giáo dục là sự sẻ chia kiến thức đến với người dùng tin, bỏ qua các rào cản thông thường, biến tài nguyên thông tin truyền thống thành tài nguyên thông tin số để rồi từ đó người dùng tin có thể chia sẻ lại, lưu trữ thông qua các dịch vụ tiện ích, sản phẩm thông tin dễ khai thác bám sát nhu cầu tin của họ.
Hiện đại hóa theo mô hình Learning Commons không có nghĩa là mất đi tính thu hút, tính cộng đồng hay tính mở của thư viện; mà ngược lại nó lại càng thu hút, xây dựng thành một trung tâm cộng đồng cho nhóm người dùng tin trong đại học đến sử dụng. Việc thư viện trở nên hiện đại là phù hợp với nhu cầu phát triển chung của cả thế giới, khi mà công nghệ đã có mặt ở hầu hết các lĩnh vực và công đoạn thì việc áp dụng công nghệ vào thư viện là một điều không còn gì xa lạ; nhưng áp dụng công nghệ để thư viện tiên tiến hiện đại hơn theo mô hình Learning Commons còn là để đáp ứng tính mở.
1.3. Ý nghĩa của mô hình Learning Commons tại Thư viện Đại học trong việc góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo
Trong đề tài nghiên cứu khoa học mang tên “Xây dựng và tổ chức thư viện theo mô hình “không gian học tập chung” tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh” do Lê Thị Huyền Trang làm chủ nhiệm đề tài đã khẳng định rằng: “Cấu trúc của “không gian học tập chung” là sự kết nối các không gian học tập cá nhân và các nhóm học tập, đồng thời tổ chức với các dịch vụ nghiên cứu chuyên sâu với sự hướng dẫn từ chính các cán bộ thư viện hay các cán bộ nghiên cứu, giảng viên cùng tham gia hỗ trợ. Thực tế cho thấy hiện nay, hầu hết các thư viện ở Việt Nam đều đã xây dựng và tổ chức những không gian phục vụ nhu cầu học nhóm của người dùng tin dưới hình thức các phòng học nhóm. Tuy nhiên, đây hầu hết đều là các phòng khép kín với hệ thống bàn ghế được xếp thành theo hàng nối dành cho nhiều nhóm người dùng tin. Chính điều này đã làm giảm hiệu quả của việc học nhóm dẫn đến việc các phòng phục vụ này chưa thực sự thu hút được người dùng tin. Trong khi đó, tại các “không gian học tập chung”, chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức các khu vực được thiết kế riêng tạo sự thuận tiện cho việc học nhóm dành cho từng nhóm người dùng tin. Trong mỗi khu vực học nhóm đó, thư viện có thể chia thành nhiều phòng với đa dạng các kích thức để đáp ứng nhu cầu của từng nhóm người dùng tin – Điều này góp phần đảm bảo tính riêng tư, tạo sự thoải mái để nâng cao hiệu quả làm việc nhóm.’’ [14]
Nhưng không chỉ vậy, với các cá nhân muốn làm việc, học tập độc lập tại thư viện mô hình Learning Commons thì với việc các khu vực thiết kế riêng biệt cũng tạo cho họ những không gian riêng đủ yên tĩnh và diện tích để làm những điều mình muốn, tránh bị gây ảnh hưởng bởi các nhóm làm việc khác khi này đã được tách riêng trong các phòng chuyên đề đặc biệt.
Ta có thể nhận thấy rằng để tạo ra một môi trường thân thiện, thu hút như vậy thì người dùng tin sẽ đến thư viện để sử dụng nhiều hơn trong công việc học tập, nghiên cứu của mình từ đó nâng cao được chất lượng của giáo dục và đào tạo.
Tóm lại mô hình Learning Commons tại Thư viện Trường Đại học đã tạo ra những không gian lí tưởng, phù hợp với các nhu cầu học tập thực tiễn của người dùng tin trong môi trường giáo dục đại học, người dùng tin đến thư viện sẽ có những phòng học, chỗ học cùng nhiều tiện ích công nghệ đi kèm hỗ trợ trong việc tự học hoặc học theo nhóm theo ý muốn. Ở điều này có thể tạm chia ra làm hai mặt, một mặt là về phía người dùng tin là sinh viên, học viên thì sẽ góp phần cải thiện tư duy, tổ hợp kiến thức đã được giảng viên dạy trên giảng đường, góp phần nâng cao chất lượng của việc giáo dục; mặt thứ hai là về phía người dùng tin là giảng viên thì sẽ giúp nâng cấp, kiến tạo thêm tri thức trong công việc giảng dạy đối với việc đào tạo kiến thức cho sinh viên.
2. ĐỀ XUẤT ĐỊNH HƯỚNG MÔ HÌNH LEARNING COMMONS (THEO HƯỚNG CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN THÔNG TIN VÀ CÔNG NGHỆ SỐ – IDT) VÀO THƯ VIỆN ĐẠI HỌC GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
2.1. Giới thiệu về Công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ số (IDT)
Tên Công ty: Công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ số (Information and Digital Technology Joint stock Company), hiện tại có trụ sở tại số 24, ngách 27, ngõ 350, đường Kim Giang, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Công ty có hai văn phòng, tại tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Hà Nội: Biệt thự B2, Lô 18 Khu Đô thị mới Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Tại thành phố Hồ Chí Minh : P609 số 43/4 Thành Thái, Phường 14, Quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Công ty IDT với sứ mệnh và tầm nhìn như sau:
– Có những “Đóng góp tích cưc” cho ngành Thông tin Thư viện Việt Nam
– “Trợ lý đắc lực” cho các dự án số hóa tài liệu và lưu trữ tài liệu
– “Chuyên nghiệp” dưới con mắt của tất cả khách hang và đối tác
Văn hóa của Công ty IDT nằm ở các điểm:
– Tôn trọng giá trị “Con người”
– Tinh thần dân chủ
– Tinh thần sáng tạo
– Tinh thần đoàn kết
– Sự chuyên nghiệp
Các lĩnh vực kinh doanh chính của Công ty IDT:
Công ty IDT chuyên triển khai các giải pháp công nghệ thư viện – thư viện điện tử, các giải pháp về thiết bị và phần mềm số hóa tài liệu. Sản phẩm chính bao gồm:
– Phần mềm thư viện điện tử – thư viện số
– Dịch vụ kết nối thư viện toàn cầu OCLC và các dịch vụ thư viện khác
– Hệ thống thiết bị an ninh và tự động hóa công nghệ EM và RFID
– Cơ sở dữ liệu điện tử
– Các thiết bị Scanner – Số hóa cho văn phòng
– Các thiết bị Scanner – Số hóa khổ lớn, chuyên dụng
– Các thiết bị vi phim, lưu trữ…
2.2. Định hướng mô hình Learning Commons vào Thư viện Đại học theo công ty IDT để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo
Để xây dựng một mô hình Learning Commons đúng nghĩa phải yêu cầu khá lớn về mặt đầu tư lớn về kinh phí, diện tích; đồng thời những người vận hành và quản lý bộ máy thư viện phải có trình độ công nghệ thông tin nhất định, có tầm nhìn chiến lược để phát triển và tổ chức hợp lí hướng đến người dùng tin, coi người dùng tin là trung tâm của mọi hoạt động của thư viện. Vì vậy để xây dựng được một mô hình Learning Commons đối với các thư viện ở Việt Nam nói chung và các thư viện đại học ở Việt Nam nói riêng thì còn là một bài toán lâu dài. Thông qua quá trình làm việc chuyên nghiệp nhiều năm liền với các thư viện, trung tâm thông tin, trung tâm lưu trữ… Công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ số (IDT) đã rút ra từ thực tế tư vấn, triển khai các dự án thành công của mình để phác thảo lên một định hướng tiến đến mô hình Learning Commons phù hợp của các thư viện với các phòng/ không gian/ khu vực chức năng đặc biệt. Với định hướng về mô hình Learning Commons cho thư viện nói chung của Công ty IDT thì có rất nhiều ưu điểm để nói, nhưng trong phạm vi bài viết này tác giả chỉ xin phân tích theo hướng mô hình Learning Commons ứng dụng vào thư viện đại học với các phòng/ không gian/ khu vực chức năng được lắp đặt thiết kế các trang thiết bị đặc biệt góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Định hướng mô hình Learning Commons trong thư viện đại học:
- Không gian chung: Đây thường là không gian ở ngay trong cửa ra vào của thư viện, được đặt ở ngay tiền sảnh. Ở không gian này người dùng tin được thoải mái tự do trao đổi, lựa chọn chỗ ngồi. Cho nên trong khu vực này hay có sắp xếp các bộ bàn ghế, sofa hình dáng đa dạng, màu sắc, thân thiện với người sử dụng; đồng thời hệ thống cổng an ninh thư viện ứng dụng theo công nghệ RFID cũng được để ngay bên cổng ra vào của thư viện tránh tình trạng người dùng tin không làm đúng quy trình mượn/ trả tài liệu gây thất thoát vốn tài liệu.
- Quầy thông tin: Đây là vị trí mà các cán bộ thư viện dịch vụ đứng làm việc. Ở vị trí này người cán bộ thư viện sẽ có thể quan sát bao quát toàn bộ các hoạt động của người dùng tin trong không gian chung. Với các trang thiết bị cơ bản được lắp đặt như máy tính tại quầy thông tin còn có trạm thủ thư đa năng để tiện cho việc mượn/ trả tài liệu, các Kiosk tra cứu tài liệu giúp người dùng tin dễ dàng tìm kiếm thông tin về tài liệu mình cần nữa. Mô hình Learning Commons luôn chú trọng đến người dùng tin, coi người dùng tin là trung tâm của mọi hoạt động, cho nên các trang thiết bị như đã kể ở trên nên để gần hoặc tại ngay quầy thông tin để tiện cho các cán bộ thư viện tiện tư vấn, trao đổi dịch vụ, giải đáp thắc mắc cho người dùng tin tại thư viện. Trong môi trường giáo dục đại học tín chỉ hiện nay ở Việt Nam thì việc học ở trên lớp thôi còn chưa đủ còn phải đòi hỏi người học tự học sau giờ học chính khóa, chính vì vậy với sự giúp đỡ tận tình, chu đáo của các cán bộ thư viện sẽ giúp việc học tập của người dùng tin được dễ dàng hơn.
- Phòng đọc chuyên ngành: Đây là khu vực khá quan trọng trong các thư viện đại học. Mỗi trường đại học đều có đào tạo ra nhiều chuyên ngành khoa học khác nhau, chính vì vậy để phục vụ cho những người học (bao gồm cả sinh viên, học viên, giảng viên…) trong việc nghiên cứu học tập thì những khu vực, phòng đọc chuyên ngành ra đời. Ở phòng đọc chuyên ngành sẽ có những tài liệu chuyên sâu thuộc về một lĩnh vực khoa học nào đó, hoặc sẽ có nhiều môn loại khoa học trong đó nhưng tất cả đều được phân loại, sắp xếp. Có thể lắp đặt các thiết bị Scan cho người dùng tin tự phục vụ trong quá trình chia sẻ, sao chép tài liệu của mình (mô hình Scanner tự phục vụ – Self Sevice Scanner). [9]
- Kho mượn: Khu vực chứa các tài liệu cho đem mượn về của thư viện, với các thư viện đại học thì đa số trong kho mượn chứa nhiều loại giáo trình, bài giảng phục vụ cho sinh viên mượn về để học. Ở vị trí kho mượn cũng có thể lắp đặt các máy Kiosk tra cứu tài liệu, trạm thủ thư, cùng giá trả sách thông minh giúp cho người dùng tin có thể thao tác dễ dàng mà không cần đến sự trợ giúp của người cán bộ thư viện. Người dùng tin có thể chủ động hơn trong thư viện, tạo ra sự thoải mái thu hút họ hơn đến với việc tự học – tự tìm kiếm – tự nghiên cứu tài liệu – tự mượn tài liệu.
- Trung tâm đa phương tiện: Đây là khu vực có sự tương tự như khu vực không gian chung, nhưng ở khu vực này các trang thiết bị máy móc được lắp đặt nhiều hơn. Các dàn máy tính được bố trí xen kẽ, hệ thống làm mát (hoặc cả sưởi ấm) được gắn trên tường và cột nhà, các thiết bị màn chiếu, ti – vi… được bố trí hợp lí. Người dùng tin nhờ các tiện ích công nghệ đó có thể tổ chức học theo nhóm hoặc theo cá nhân tùy từng nhu cầu của mình
- Phòng đào tạo người dùng tin: Là nơi để đào tạo người sử dụng của thư viện với sự kết của internet, wifi. Phòng đào tạo người dùng tin thông thường chỉ có máy chiếu cùng máy tính để hướng dẫn người dùng tin sử dụng thư viện.
- Phòng đọc chuyên gia: Khu phòng đặc biệt dành cho các giảng viên, các cán bộ quản lý của nhà trường vì vậy ngoài sự sắp xếp tài liệu khoa học và lắp đặt các trang thiết bị chuyên ngành như ở phòng đọc chuyên ngành thì còn có thể để một máy Kiosk tra cứu tài liệu nữa.
- Khu tự học: Bố trí bàn học, máy tính, tủ đồ cá nhân,…nhằm phục vụ cho người đọc 24/24, tách biệt với khu mượn trả sách, người học có thể ra vào tự do, chủ động thời gian học tập của mình.
- Khu vực đọc giải trí: Khu vực giải tỏa stress, thư giãn của người dùng tin sau những giờ nghiên cứu học tập mệt mỏi với các thiết kế, họa tiết trang trí bắt mắt. Các hàng ghế ngồi trải dài, sắp đặt vòng cung.
- Phòng học nhóm: Phòng để phục vụ việc học nhóm, được trang bị nhiều trang thiết bị (máy Scan, máy chiếu,…)
- Căng – tin: Nơi phục vụ đồ ăn, uống nhanh dành cho người dùng tin tại thư viện. Ở nơi này có thể đặt các cabin bán nước tự động.
- Khu vực in ấn/ photo: Khu vực lắp đặt các thiết bị Scan – Số hóa, máy photo cho người dùng tin có thể sử dụng để in ấn/ photo tài liệu. Nguồn phí của việc thu từ dịch vụ này sẽ được đem đầu tư lại thư viện trong công cuộc phát triển giáo dục.
- Khu trưng bày giới thiệu sách mới: Các đầu sách mới sẽ được đem ra triển lãm, giới thiệu ở đây thông qua các thiết bị trình diễn tài liệu.
- Khu ấn phẩm xuất bản của trường: Các trường đại học thường có nhà xuất bản riêng chuyên xuất bản những tài liệu của giảng viên, sinh viên trong trường viết. Vì vậy khu vực trưng bày hoặc bán các ấn phẩm xuất bản của trường với mong muốn giới thiệu các tài liệu bổ ích phục vụ trong quá trình nghiên cứu, học tập cho người dùng tin.
- Khu hướng dẫn học tập: Thư viện đại học là nơi chứa một khối lượng lớn những tài liệu chuyên ngành, vì vậy việc bố trí những lớp học ngay tại thư viện sẽ tạo điều kiện tiếp cận tài liệu rất dễ dàng. Những khu hướng dẫn học tập sẽ là nơi để giảng viên và sinh viên đăng kí học tập, giảng dạy khi có nhu cầu. Cần thiết cho việc trang bị máy chiếu, máy tính…
- Khu hành chính thư viện: Nơi đặt vị trí làm việc của các cán bộ thư viện, yêu cầu cần có các trang thiết bị để số hóa tài liệu, trạm thủ thư để lập trình tài liệu, máy tính cùng các sản phẩm công nghệ khác giúp người cán bộ thư viện làm việc.
2.3. Kinh nghiệm triển khai thực tế dự án tại một số Thư viện Trường Đại học của công ty IDT
2.3.1. Cải tạo tầng 3 của Thư viện Đại học Y Hà Nội
Ngày 15/11/2017, công trình cải tạo thư viện tầng 3 Đại học Y Hà Nội do IDT thiết kế, triển khai thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị chính thức được bàn giao đưa vào sử dụng. Đây là công trình trọng điểm để chào đón 115 năm thành lập của Đại học Y nên được Ban giám hiệu và các phòng ban rất quan tâm, chú trọng. Sau 2 tháng gấp rút cải tạo, sửa chữa từ hệ thống điện mạng, camera, điều hòa, vách ngăn cho đến nội thất và thiết bị thư viện chuyên dụng, công trình đã hoàn thiện, đi vào sử dụng. Sự đổi mới này được Ban giám hiệu nhà trường cùng các phòng ban cũng như sinh viên trong trường đánh giá rất cao.
Với diện tích 340m2, phòng thư viện tầng 3 không chỉ là nơi học tập, nghiên cứu mà còn là nơi nghỉ ngơi, thư giãn, truyền cảm hứng học tập cho giảng viên và sinh viên bởi cách bố trí công năng của từng khu vực.
Lắp đặt hệ thống an ninh và tự động hóa thư viện công nghệ RFID kết hợp với scan tự phục vụ tạo sự chủ động cho người dùng khi vào thư viện, tất cả các công việc từ mượn, trả tài liệu đến scan người dùng đều có thể tự thao tác mà không cần đến sự trợ giúp của thủ thư.
2.3.2. Cung cấp trang thiết bị tại Thư viện Đại học Hà Nội
Thư viện trường Đại học Hà Nội với định hướng phát triển: “Xây dựng và phát triển Thư viện Trường Đại học Hà Nội theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện với nguồn lực thông tin mạnh, sản phẩm, dịch vụ đa dạng, phong phú, tạo bước đột phá trong ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao, đảm bảo chất lượng, phục vụ hiệu quả hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Trường Đại học Hà Nội cũng như đáp ứng tốt nhu cầu của người sử dụng trong học tập và nghiên cứu; Đẩy mạnh và phát triển hợp tác trong nước và quốc tế về lĩnh vực thông tin – thư viện, mở rộng liên kết chia sẻ với các cơ quan thông tin – thư viện, góp phần mở rộng quan hệ, trao đổi thông tin với các trường đại học tiên tiến trong nước và quốc tế.”
Với 11 ngành ngoại ngữ; 6 chuyên ngành khác ngoài ngôn ngữ, dạy-học hoàn toàn bằng ngoại ngữ; 6 trung tâm đào tạo và hợp tác quốc tế… Trường Đại học Hà Nội là cơ sở giáo dục hàng đầu của cả nước trong đào tạo, nghiên cứu về ngoại ngữ và chuyên ngành bằng ngoại ngữ. Với đặc thù như vậy, nên nhu cầu đến Thư viện của sinh viên để tự học, tự tìm hiểu nghiên cứu, học nhóm,… rất cao.
Với mong muốn đáp ứng được nhu cầu của sinh viên trong công tác học tập, nghiên cứu, cũng như hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ cho cán bộ. Tháng 12/2017 thư viện trường Đại học Hà Nội đã quyết định sử dụng hệ thống RFID – Nedap do IDT cung cấp, gồm các thiết bị sau:
- 1 bộ cổng 3 cánh PG45i
- 1 trạm thủ thư đa năng Selfserver
Sau đó Thư viện Trường Đại học Hà Nội tiếp tục đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm đi đúng định hướng phát triển mà thư viện đã vạch ra: Phát triển thư viện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện với nguồn lực thông tin mạnh, sản phẩm, dịch vụ đa dạng, phong phú, tạo bước đột phá trong ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao, đảm bảo chất lượng, phục vụ hiệu quả hoạt động đào tạo và nghiên cứu của trường đại học Hà Nội cũng như đáp ứng tốt nhu cầu của người sử dụng trong học tập và nghiên cứu. Cụ thể, tháng 8/2018 Thư viện đã đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại để hoàn thiện bộ máy quản lý thư viện chuyên nghiệp. Một trong số đó bao gồm việc Thư viện bổ sung các hệ thống thiết bị như sau:
- Thiết bị scan chuyên dụng OS16000 Advanced Plus
- Máy scan thông minh CZUR ET16 Plus
- Trạm tự mượn trả
- Thiết bị kiểm kê cầm tay RFID
3. KẾT LUẬN
Mô hình Learning Commons là một mô hình không còn xa lạ gì trên thế giới nữa, vì tính ứng dụng thực tiễn lẫn kết quả khả quan của nó đem lại nên đã có rất nhiều thư viện đã và đang từng bước chuyển mình sang loại mô hình này.
Tại Việt Nam vì nhiều lí do khác nhau nên việc tiếp cận với mô hình này còn gặp nhiều khó khăn. Với kinh nghiệm tư vấn và triển khai cho nhiều trung tâm thư viện, trung tâm thông tin… trong cả nước Công ty IDT đã bước đầu định hướng tới những vấn đề căn bản cho các Thư viện Đại học về việc xây dựng mô hình Learning Commons.
Tác giả dùng các phương pháp nghiên cứu như phân tích và tổng hợp tài liệu, phương pháp quan sát, thống kê, đánh giá… về mô hình định hướng Learning Commons của Công ty IDT với mong muốn góp phần tạo ra một hệ thống những vấn đề chung về mô hình này tại Việt Nam, đồng thời từ những khái niệm, đặc điểm với ý nghĩa căn bản đó để triển khai ứng dụng vào trong Thư viện Đại học, nhấn mạnh vào một khía cạnh đó là giáo dục – đào tạo. Thư viện Đại học là trái tim của trường học, một trái tim khỏe mạnh thì mới có thể duy trì và vận hành toàn bộ cơ thể phát triển tốt được.
_____________________________________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Nguyễn Thị Kim Dung (2015), Tăng cường hoạt động nghiên cứu người dùng tin và nhu cầu tin trong thư viện trường đại học phục vụ đào tạo học chế tín chỉ, truy cập vào ngày 27/11/2019 tại địa chỉ: http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/tang-cuong-hoat-dong-nghien-cuu-nguoi-dung-tin-va-nhu-cau-tin-trong-thu-vien-truong-dai-hoc-phuc-vu-dao-tao-theo-hoc-che-tin-chi.html?fbclid=IwAR1EAPcAsV2XWrOvH_l01QknlgJjqLZT1yG1bFautLkkMGDOvO3a6bRhc9I
[2] Heartsill Young (1996), ALA: Từ điển giải nghĩa thư viện học và tin học Anh – Việt, Arizoma .- USA
[3] Nguyễn Minh Hiệp (2011), Xu hướng xây dựng không gian học tập chung (Learning Commons), truy cập vào ngày 27/11/2019 tại địa chỉ: http://www.glib.hcmus.edu.vn/bantin/bt1111/Bai1.pdf?fbclid=IwAR3YjwESJM8ioletdVx0LCcgPmEN0mN2o9ZRa31MmYrDrKiF9BRm9EuVNlk
[4] Vũ Bích Ngân, Hướng đến một mô hình thư viện hiện đại phục vụ chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục đại học, truy cập vào ngày 27/11/2019 tại địa chỉ: http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/huong-den-mot-mo-hinh-thu-vien-dai-hoc-hien-dai-phuc-vu-chien-luoc-nang-cao-chat-luong-giao-duc-dai-hoc.html?fbclid=IwAR3PQf1MN51cdNCD4GcktU93AJxpWVacX_aln6VWlRsR792fVrRrJHcK6rc
[5] Nguyễn Thị Bích Ngọc (2014), Mô hình không gian học tập ở các thư viện đại học, truy cập vào ngày 27/11/2019 tại địa chỉ: http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/mo-hinh-khong-gian-hoc-tap-o-cac-thu-vien-dai-hoc.html?fbclid=IwAR3hwudR3NEDe8ve3vepv6GLCCL4kZAaVhVY9iYWeP8U8gwNTr5TqTRHNms
[6] Đinh Văn Nam (2014), Vai trò của thư viện đại học trong cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, Hoạt động thông tin – thư viện với vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam (Sách chuyên khảo), NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 173 – 177
[7] Vũ Dương Thúy Ngà (2014), Thư viện đại học với đổi mới giáo dục nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, Hoạt động thông tin – thư viện với vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam (Sách chuyên khảo), NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.178 – 186
[8] Nguyễn Thị Bích Ngọc (2013), Đề xuất xây dựng mô hình không gian học tập ở các trung tâm học liệu, Kỷ yếu Hội thảo Phương hướng, chiến lược và sáng kiến cho một ngành thông tin – thư viện phát triển liên tục và bền vững, Đại học Huế – Trung tâm Học liệu Huế, thành phố Huế, tr. 95 – 106
[9] Nhóm Kỹ thuật – nghiệp vụ IDT (2014), Mô hình Scanner tự phục vụ (Self – Service Scanner) – Xu thế mới trong môi trường thư viện, Hoạt động thông tin – thư viện với vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam (Sách chuyên khảo), NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.139 – 145
[10] Phòng Thông tin Khoa học Quân sự (Học viện Kĩ thuật Quân sự) (2019), Chuyên san đại học thông minh, Học viện Kĩ thuật Quân sự, Hà Nội
[11] Bùi Hà Phương, Nguyễn Thành Nhẫn (2016), Phát triển không gian học tập chung hỗ trợ hành vi thông tin: yêu cầu đối với người làm thư viện, truy cập vào ngày 27/11/2019 tại địa chỉ: http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/phat-trien-khong-gian-hoc-tap-chung-ho-tro-hanh-vi-thong-tin-yeu-cau-doi-voi-nguoi-lam-thu-vien.html?fbclid=IwAR2EYPUNJeYkYLle4EfFVwe3hqCQENkv4A91TyTExN000dV21SitpMPCHas
[12] Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động thư viện trường Đại học (ban hành theo Quyết định số 13/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 10/3/2008 của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL)
[13] Quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện trường đại học (ban hành theo quyết định số 688/QĐ ngày 14 tháng 7 năm 1986 của Bộ trưởng Bộ ĐH&THCN)
[14] Lê Thị Huyền Trang (chủ nhiệm), Xây dựng và tổ chức thư viện theo mô hình “không gian học tập chung” tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
[15] Bùi Loan Thùy (2014), Thư viện với sự phát triển bền vững xã hội học tập ở Việt Nam, Hội thảo Khoa học Thư viện hướng đến tương lai: Hợp tác, tiến bộ và phát triển, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Khoa Thư viện – Thông tin học, thành phố Hồ Chí Minh, tr. 135 – 141
[16] Lương Thị Thắm (2016), Xây dựng thư viện hiện đại theo hướng Learning Commons – Không gian học tập chung, Tạp chí Thư viện Việt Nam Số 4 (60), Hà Nội
[17] Lương Thị Thắm, Nguyễn Thị Khánh Ly (2019), Không gian thư viện hiện đại, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hà Nội, tr. 184 – 191
[18] https://idtvietnam.vn/ truy cập vào ngày 27/11/2019
___________________________________________________
BÀI VIẾT: Hải Anh
HÌNH ẢNH: IDT, Sưu tầm Internet