OCLC – Kết nối mạng thư viện toàn cầu – Hợp tác chia sẻ tài nguyên và các dịch vụ thư viện
Bài viết cung cấp cho bạn đọc những thông tin tổng quan về OCLC, các lợi ích khi gia nhập OCLC. Bên cạnh đó các sản phẩm và dịch vụ tiêu biểu của OCLC cũng được giới thiệu, bao gồm Phần mềm quản lý thư viện thế hệ mới WorldShare Management Services, Cổng tìm kiếm và chuyển giao tài nguyên tập trung WorldCat Discovery Services, Phần mềm quản lý các bộ sưu tập số CONTENTdm, Dịch vụ mượn liên thư viện toàn cầu WorldShare International Inter-library Loans, Công cụ xác thực người dùng và quản lý truy cập dữ liệu từ xa EZ Proxy,… Ngoài ra, bài viết còn đề cập đến thực trạng và xu thế kết nối, hợp tác, chia sẻ giữa các thư viện Việt Nam hiện nay.
Các thư viện trên thế giới hiện nay đều đang đối mặt với một thách thức: nhiều người dùng thay vì sử dụng các tài nguyên có tại thư viện lại chuyển sang tìm kiếm và khai thác thông tin qua Google – công cụ tìm kiếm phổ biến và mạnh mẽ nhất trên mạng Internet. Điều này dẫn đến việc lượng bạn đọc đến thư viện giảm dần và các thư viện ngày càng cảm thấy khó khăn trong việc thu hút bạn đọc sử dụng các nguồn tài nguyên và dịch vụ của mình. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng trên là nguồn tài nguyên trong thư viện (bao gồm tài liệu in, tài liệu số nội sinh, CSDL điện tử,…) luôn là có hạn, cho dù thư viện có quy mô tầm cỡ thế nào, bởi vì không một thư viện nào trên thế giới có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu của bạn đọc. Chính vì vậy, việc liên kết các thư viện để cùng nhau hợp tác và chia sẻ dữ liệu, cùng nhau kết nối với các nguồn dữ liệu toàn cầu là giải pháp tốt nhất để làm giàu nguồn tài nguyên cho thư viện, qua đó để “cạnh tranh” với Google và đem bạn đọc quay trở lại với thư viện. Trên phương diện này, không ai có thể làm tốt hơn OCLC.
1. Tổng quan OCLC (Online Computer Library Center)
1.1 OCLC là ai?
OCLC được thành lậpnăm 1967 tại Ohio – Hoa Kỳ. Từ ý tưởng của khối liên hiệp các Thư viện Đại học Ohio muốn thử nghiệm khả năng thành lập một trung tâm xử lý kỹ thuật tập trung, cái tên OCLC ban đầu được hiểu theo nghĩa là Trung tâm Thư viện trường Đại học Ohio (Ohio College Library Center). Trong suốt thời gian mới thành lập, mục tiêu chính của OCLC là xây dựng một mạng lưới thư mục liên hợp giữa các thư viện thành viên của Đại học Ohio và tiếp đó là các thư viện trên toàn nước Mỹ. Hầu hết các thư viện thành viên đều đánh giá việc chi trả tiền mua các phích mục lục từ OCLC có những lợi ích rất lớn, CSDL thư viện đạt chất lượng chuẩn, thống nhất thông tin hơn là tự bỏ công sức ra xử lý tài liệu. Đến giữa thập niên 80 khi các thư viện chuyển từ sử dụng mục lục dạng phích phiếu sang mục lục tra cứu điện tử OPAC, CSDL WorldCat (CSDL mục lục liên hợp toàn cầu được khởi tạo và duy trì bởi OCLC cùng các thư viện thành viên) đã đạt đến ngưỡng một triệu biểu ghi và tăng lên nhanh chóng sau đó. Năm 1993 con số này là 28 triệu, giữa năm 2001 là 48 triệu và đến thời điểm cuối năm 2016, số lượng biểu ghi có trên WorldCat là trên 380 triệu biểu ghi thư mục tương đương với trên 2,4 tỷ điểm vốn tài liệu (holding) của các thư viện thành viên OCLC. Trong suốt quá trình phát triển, OCLC đã đặt nhiều dấu ấn tiên phong trên nhiều lĩnh vực biên mục cao cấp như tạo lập các chuẩn biên mục và lưu trữ, tạo ra các chức năng tự động kiểm soát tính nhất quán (automated authority control), quản lý ấn phẩm định kỳ, tạo CSDL mục lục phân tích báo chí, tăng khả năng xử lý các tài liệu ở các dạng ngôn ngữ không phổ biến, bắt đầu là các loại ký tự như tiếng Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Sự chuyển mình linh động của OCLC luôn đáp ứng sự thay đổi, phát triển của ngành TT-TV trên thế giới.
Ngày nay thương hiệu OCLC vẫn được giữ nguyên nhưng đã từ lâu mang ý nghĩa như một mạng lưới thư viện toàn cầu. Cái tên OCLC được dịch ra có nghĩa là Trung tâm thư viện máy tính trực tuyến (Online Computer Library Center) và được hầu như tất cả những người làm trong ngành TT-TV đều biết đến. Hiện nay, các sản phẩm và dịch vụ của OCLC đã và đang phục vụ trên 70.000 thư viện tại 170 quốc gia, trong đó có khoảng 17.000 thư viện tại 122 quốc gia đã đưa toàn bộ CSDL biểu ghi thư mục của mình và hàng ngày biên mục trực tiếp lên WorldCat.
1.2 Sản phẩm cốt lõi của OCLC
WorldCat: được biết đến như một CSDL mục lục liên hợp toàn cầu. Cho đến thời điểm cuối tháng 12-2016, WorldCat chứa một lượng dữ liệu khổng lồ gồm trên 380 triệu biểu ghi thư mục (bib-record), tương ứng với 2,4 điểm vốn tài liệu (holding) tại các thư viện, trong đó bao gồm dữ liệu của trên 48 triệu đầu mục tài liệu số nội sinh (institutional repository) và 18 triệu sách điện tử (ebook). WorldCat có số lượng ngôn ngữ cực kỳ đa dạng, gồm gần 500 ngôn ngữ trên toàn thế giới, trong đó tiếng Anh chiếm khoảng 38%, tiếng Đức khoảng 13%, tiếng Pháp khoảng 9%, ngoài ra là các ngôn ngữ khác như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, và bao gồm cả tiếng Việt (cho dù chỉ là một tỷ lệ nhỏ). Nhiều chuyên gia đánh giá rằng WorldCat có thể bao gồm tới trên 70% lượng tài liệu có trên toàn cầu từ cổ chí kim, và là bộ CSDL thư mục toàn diện nhất thế giới từ trước tới giờ.
WorldShare: Có thể hiểu WorldShare như một chuỗi các nền tảng, công cụ và ứng dụng của OCLC giúp cho việc hợp tác, chia sẻ, khai thác dữ liệu từ WorldCat và giữa các thư viện với nhau. Nếu ví WorldCat là một ga tàu lớn với một kho hàng hóa khổng lồ và các thư viện trên khắp thế giới là các ga xép nhỏ thì WorldShare chính là các hệ thống đường ray và các toa tàu giúp cho việc vận chuyển hành khách, trao đổi hàng hóa từ ga lớn tới các ga nhỏ, hoặc giữa các ga nhỏ với nhau trên phạm vi toàn thế giới. Một số ứng dụng tiêu biểu của WorldShare bao gồm: WorldShare Inter-library Loans(ILL) – dịch vụ mượn liên thư viện toàn cầu; Worldshare Record Manager – công cụ quản lý biên mục trực tuyến; WorldShare Collection Manager – công cụ quản lý các bộ sưu tập và CSDL điện tử; Question Point – dịch vụ tham khảo; WorldShare Management Services – Phần mềm thư viện thế hệ mới; WorldCat Discovery Services (trước đây được biết đến với tên gọi First Search, hoặc WorldCat Local) – Cổng tìm kiếm và chuyển giao tài nguyên tập trung,… Ngoài ra một loạt các sản phẩm và dịch vụ thư viện khác đã rất quen thuộc với người dùng như EZ Proxy, Web-Dewey, ContentDm,… đều được phát triển dựa trên nền tảng của WorldShare.
Ngoài ra với thế mạnh của OCLC về liên kết dữ liệu (Data Links), rất nhiều các nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm và dịch vụ thông tin đều có kết nối với OCLC, điển hình như Google Books, Goodreads, Yahoo, Bing, Wikipedia, Amazon,… hoặc các nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu bao gồm ProQuest, EBSCO, Elsevier, Springer, Gale, Ingram, Wiley, Taylor & Francis,… đều kết nối toàn bộ dữ liệu của mình tới OCLC.
1.3 Một số thành viên tiêu biểu của OCLC
Một số thành viên tiêu biểu của OCLC bao gồm toàn bộ các thư viện của các trường đại học trong top 200 của Hoa Kỳ như Đại học Harvard, Yale, Princeton, Berkerley, MIT, Cornell, CalTech, cùng gần như toàn bộ hệ thống thư viện công cộng của Mỹ bao gồm Thư viện Quốc hội Mỹ hiện đang là thành viên của OCLC. Tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hiện có trên 6.000 thư viện trong đó có một số các thư viện tiêu biểu như Thư viện Quốc Gia Australia, Thư viện Quốc Gia Trung Quốc, Thư viện Quốc gia Nhật Bản, Thư viện Quốc gia Malaysia, Thư viện Quốc gia New Zealand, Thư viện Quốc gia Singapore, Thư viện Quốc gia Đài Loan,… Các trường Đại học thuộc tốp đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hiện cũng đang là thành viên của OCLC, tiêu biểu như: ĐH Quốc Gia Australia, ĐH RMIT, ĐH Melbourne, ĐH Queensland (tại Australia); ĐH Auckland (tại New Zealand); ĐH Thanh Hoa, ĐH Thượng Hải, ĐH Hongkong, ĐH Khoa học và Công nghệ Hongkong (Tại Trung Quốc); ĐH Quốc Gia Singapore, ĐH Công nghệ Nanyang (Tại Singapore); ĐH Waseda, ĐH Keio (Tại Nhật Bản); ĐH Kebangsaan, ĐH Universiti Malaysia Perlis, ĐH Universiti Maylaysia Sarawak (Tại Malaysia); ĐH Chulalongkorn, ĐH Thammasat, ĐH Kasetsart, ĐH Chiang Mai (Tại Thái Lan),… và còn rất nhiều các thành viên OCLC là các thư viện Quốc gia, thư viện công cộng, thư viện đại học, thư viện chuyên ngành trên khắp thế giới mà trong phạm vi bài viết này không thể liệt kê hết được
2. Lợi ích đối với các thành viên OCLC
2.1 Điều kiện là thành viên OCLC
Tham gia OCLC có thể dưới 2 dạng: Thành viên OCLC (Member) và Người dùng OCLC (User). Dưới dạng member, các thư viện trực tiếp đóng góp biểu ghi của mình (một phần hoặc toàn bộ) lên WorldCat và tham gia biên mục trực tuyến. Trong khi đó dưới dạng user, các thư viện chỉ đơn thuần sử dụng các dịch vụ của OCLC ví dụ như EZ Proxy, Mượn liên thư viện, Web-Dewey,… mà không chia sẻ dữ liệu của mình với các thư viện khác, đồng nghĩa với việc không đưa biểu ghi và biên mục trực tuyến trên WorldCat. Như vậy có thể thấy điều kiện quan trọng nhất để trở thành thành viên chính thức của OCLC (dạng member) là thư viện cần đưa biểu ghi của mình và biên mục trực tuyến trên WorldCat.
2.2 Lợi ích khi là thành viên OCLC
Khi đã trở thành thành viên của OCLC, lợi ích nổi bật mà các thư viện có thể nhận được như sau:
- Kết nối với mạng lưới thư viện toàn cầu: Khi trở thành thành viên OCLC, tức là thư viện đã tham gia mạng lưới thư viện toàn cầu, kết nối tới hàng chục nghìn thư viện tại các quốc gia trên thế giới, tham gia vào các diễn đàn, hội thảo do OCLC tổ chức để có thể chia sẻ và hợp tác, học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, các thư viện thành viên có quyền bỏ phiếu bầu hoặc ứng cử trong Ban Quản trị OCLC (Board of Trustees).
- Chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ: Để trở thành thành viên OCLC, thư viện sẽ phải sử dụng dịch vụ biên mục trực tuyến của OCLC (Connexion hoặc Record Manager). Dịch vụ biên mục này sẽ giúp biểu ghi thư mục của thư viện luôn tuân theo các quy tắc quốc tế về biên mục, phân loại, định chủ đề, và luôn chuẩn hóa với toàn bộ thư viện trong hệ thống của OCLC. Ngoài ra trong quá trình tải hàng loạt biểu ghi (Batchload) lên WorldCat, OCLC sẽ kiểm tra và giúp chỉ ra các sai lỗi khiếm khuyết của dữ liệu (nếu có) và giúp các thư viện hiệu chỉnh các vấn đề này.
- Tiết kiệm thời gian, công sức: Hàng năm nhiều thư viện phải tốn một lượng chi phí, thời gian, và công sức không nhỏ của các cán bộ biên mục cho việc biên mục tài liệu, tìm kiếm, download biểu ghi thư mục trên mạng Internet hoặc lập biểu ghi thư mục mới. Tuy nhiên, khi đã là thành viên của OCLC, thư viện sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức thông qua dịch vụ biên mục của OCLC. Lúc này thư viện chỉ cần tìm kiếm trên Worldcat và sau đó có thể download và sử dụng trực tiếp biểu ghi thư mục có sẵn mà đã được các cán bộ thư viện trên thế giới cùng trong hệ thống của OCLC biên mục hoàn chỉnh.
- Nâng cao sự hiện diện của thư viện lên toàn cầu: Là thành viên OCLC có nghĩa là độc giả tại một thư viện thành viên bất kỳ có thể nhìn thấy các thư viện khác trên thế giới đang có các tài nguyên gì, và ở chiều ngược lại độc giả thế giới cũng nhìn thấy thư viện thành viên đó đang có tài nguyên gì. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc quảng bá, xây dựng hình ảnh của một thư viện hoặc của một trường đại học ra phạm vi quốc tế. Ở một tầm vĩ mô hơn, nó góp phần quảng bá một nền văn hóa hoặc quảng bá cho một quốc gia.
- Các lợi ích gia tăng khi thành viên sử dụng thêm các dịch vụ của OCLC
- ILL: sử dụng dịch vụ mượn liên thư viện để mượn hoặc cho mượn tài liệu với các thư viện khác trên phạm vi toàn cầu.
- Contentdm: sử dụng phần mềm quản lý bộ sưu tập số của OCLC để quản lý thư viện số và chia sẻ tài nguyên số với trên 3.000 thư viện trên thế giới.
- WorldCat Discovery Services (WCD): sử dụng cổng tìm kiếm và chuyển giao tài nguyên tập trung để khai thác tài nguyên trên phạm vi toàn thế giới.
- WorldShare Management Services (WMS): sử dụng phần mềm thư viện thế hệ mới để quản lý mọi hoạt động của thư viện mình, chia sẻ và kết nối với các thư viện khác trên thế giới.
- … và còn nhiều lợi ích đi kèm với các ứng dụng khác.
3. Hệ thống các sản phẩm và dịch vụ của OCLC
Hiện OCLC đang xây dựng và phát triển rất nhiều các dịch vụ liên quan đến 6 nhóm chính đó là:
- Công cụ quản lý thư viện
- Biên mục và siêu dữ liệu
- Chia sẻ tài nguyên
- Tìm kiếm và chuyển giao
- Quản lý bộ sưu tập số
- Dịch vụ tham khảo
Trong sáu nhóm dịch vụ trên, có những sản phẩm và dịch vụ đã giúp cho OCLC tạo ra những cuộc cách mạng và góp phần thay đổi xu hướng, tiêu chuẩn nghiệp vụ thư viện và cả cách mà bạn đọc tiếp cận với các dịch vụ thư viện. Tiêu biểu có thể kể đến như:
3.1 Phần mềm thư viện thế hệ mới Worldshare Management Services
Phần mềm Worldshare Management Serivices (WMS) là giải pháp tổng thể cho thư viện trong quy trình quản lý tài liệu in và tài liệu điện tử. Giải pháp được xây dựng trên một nền tảng thống nhất bằng công nghệ điện toán đám mây bao gồm các module sau:
- Metadata: Biên mục dữ liệu thư mục trực tuyến trên WorldCat, quản lý siêu dữ liệu.
- License Manager: quản lý các bộ CSDL điện tử.
- Circulation: Quản lý lưu thông mượn trả tài liệu
- Acquisition: Bổ sung tài liệu trực tuyến và quản lý ấn phẩm nhiều kỳ.
- OPAC – Discovery: WMS sử dụng công cụ tra cứu dưới dạng cổng tìm kiếm và chuyển giao tài nguyên tập trung WCD. Thông qua cổng này, dữ liệu được tìm kiếm và có thể tiếp cận được là trên phạm vi toàn cầu thông qua một giao diện duy nhất. Xem thêm mô tả bên dưới về WCD.
- WorldShare Inter-Library Loan (ILL): cho phép mượn liên thư viện toàn cầu.
- Analytics: Các chức năng báo cáo thống kê.
- Chức năng lưu trữ tài liệu theo khóa học (Course Reserve)
- Các chức năng quản trị hệ thống.
Cộng đồng trên 500 thư viện trên thế giới đang sử dụng WMS
3.2 Cổng tìm kiếm và chuyển giao tài nguyên thông tin tập trung – Worldcat Discovery Services
Worldcat Discovery Services (WCD) là một giải pháp đã được áp dụng tại nhiều thư viện trên thế giới, đồng thời cũng là một xu thế quan tâm của các thư viện Việt Nam trong thời gian gần đây. Chỉ thông qua một giao diện tìm kiếm duy nhất, WCD có thể bao trùm một phạm vi tìm kiếm và truy cập lên đến trên 2 tỷ đầu mục tài liệu bao gồm tài liệu in, tài liệu số và tài liệu điện tử. WCD hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây (cloud-based application) và cho phép người dùng chỉ qua một phép tìm kiếm duy nhất mà có thể truy cập được vào tất cả các loại hình tài liệu dưới các định dạng khác nhau liên quan đến từ khóa tìm kiếm. Về khả năng hỗ trợ tìm kiếm nâng cao, WCD cung cấp 50 tùy chọn khác nhau cho người sử dụng để có thể lọc, mở rộng phạm vi tìm kiếm. Khi bạn đọc thực hiện một phép tìm kiếm bất kỳ, các tài liệu mà thư viện đó đang nắm giữ sẽ được ưu tiên xếp trước trong phần hiển thị kết quả, tiếp đó hệ thống sẽ đưa bạn đọc tới các thư viện gần nhất có tài liệu đó và cuối cùng bạn đọc sẽ có thể tiếp cận tới các thư viện toàn cầu đang nắm giữ tài liệu.
Để mở rộng phạm vi tìm kiếm cho độc giả, ngoài các dữ liệu có trên WorldCat, OCLC còn cung cấp phạm vi tìm kiếm đến 12 bộ CSDL học thuật giúp cho các thư viện có thể mở rộng và tối đa hóa khả năng tìm kiếm và tiếp cận tài nguyên. Các CSDL này được đặt trong hệ thống chỉ mục tập trung (Central Index) của OCLC, bao gồm một số bộ CSDL tiêu biểu như:
- ArticleFirst bộ CSDL về thông tin trích dẫn (citations) của >16,000 tạp chí phát hành từ 1990. Gồm hơn 27 triệu biểu ghi (records), cập nhật hàng ngày.
- OAIster: Bộ cơ sở dữ liệu liên hợp biểu ghi và tài liệu toàn văn từ các nguồn thông tin số của trên 1.500 đơn vị trên thế giới đóng góp hàng ngày. Các loại hình tài liệu bao gồm: Sách, báo, tạp chí,văn bản, tài liệu viết tay đã được số hóa, Audio files (wav, mp3), Video files (mp4, QuickTime), Ảnh (jpeg, tiff, gif). Các bộ sưu tập bao gồm: Luận văn, Báo cáo kỹ thuật, Tài liệu nghiên cứu, Bộ sưu tập ảnh, Bộ cơ sở dữ liệu hỗ trợ truy cập toàn văn vào các nguồn dữ liệu truy cập mở (open-access).
- Worldcat Dissertation & Theses: Bộ CSDL tập hợp trên 20 triệu biểu ghi thư mục luận văn luận án trên khắp thế giới được cung cấp bởi các thư viện là thành viên OCLC, được đánh giá là một trong những bộ cơ sở dữ liệu về luận văn luận án lớn nhất thế giới với rất nhiều đường link tài liệu hỗ trợ truy cập toàn văn.
- Electronic Books (ebook): Bộ CSDL biểu ghi của những sách điện tử được biên mục bởi các thành viên OCLC. Gồm trên 1,9 triệu ebooks được biên mục từ trước tới nay, cập nhật hàng ngày. Bộ cơ sở dữ liệu chỉ ra các thư viện sở hữu các sách điện tử trên và cung cấp nhiều liên kết tới toàn văn ebook.
Giao diện tìm kiếm trên WorldCat Discovery Services
3.3 Phần mềm quản lý các bộsưu tập số CONTENTdm
Contentdm là một giải pháp tổng thể cho một việc quản lý tài liệu số do OCLC cung cấp. Phần mềm này có khả năng quản lý, lưu trữ các loại hình tài liệu số của thư viện và giới thiệu các tài liệu số đến với bạn đọc thông qua Website của Contentdm. Contentdm quản lý được các loại hình tài liệu với nhiều định dạng khác nhau như các file văn bản, âm thanh, hình ảnh, bản đồ, video, các file Microsoft Office. Đơn giản nhưng mạnh mẽ, Contentdm cho phép quản lý truy cập của người dùng thông qua địa chỉ IP, hoặc tài khoản user name/password. Ngoài ra, cộng đồng gần 3.000 thư viện đang sử dụng phần mềm này cũng đã chia sẻ rất nhiều tài liệu quý hiếm trên Contentdm, cho phép các thư viện trong cộng đồng có thể cùng nhau khai thác.
Giao diện tìm kiếm trên Contentdm
3.4 Dịch vụ mượn liên thư viện toàn cầu Worldshare Interlibrary Loan
Dịch vụ mượn liên thư viện toàn cầu (ILL): Dựa trên CSDL mục lục liên hợp mà các thư viện đã tham gia xây dựng và đóng góp, các thư viện có thể xây dựng chính sách mượn liên thư viện trong phạm vi địa phương cũng như trên phạm vi toàn cầu, với sự tham gia của một số nhà cung cấp dịch vụ mượn tài liệu lớn và uy tín như: TV Quốc hội Mỹ; TV Quốc gia Canada; Thư viện Anh Quốc. Số lượng các thư viện hiện đang tham gia trong hệ thống mượn liên thư viện của OCLC gồm hàng chục nghìn thư viện và đây là dịch vụ mượn liên thư viện có phạm vi lớn nhất thế giới. Hàng năm OCLC xử lý khoảng gần 10 triệu giao dịch mượn giữa các thư viện trên thế giới với nhau. Bên cạnh việc cho phép các giao dịch mượn liên thư viện dưới dạng tài liệu in, tính năng Article Exchange có trong ILL còn cho phép các thư viện khả năng mượn các tài liệu số. Dịch vụ sẽ cung cấp một không gian lưu trữ có độ bảo mật cao để các thư viện cho mượn tài liệu số tải các file mà mình sẽ cho mượn. Thư viện yêu cầu mượn sau đó sẽ vào không gian được cung cấp tải tài liệu về. Chỉ có thư viện yêu cầu mượn tài liệu đó mới có quyền truy cập và sử dụng tài liệu số đã được tải lên. OCLC là đơn vị cung cấp nền tảng cho hệ thống mượn liên thư viện và cũng là người đứng ra đảm bảo cho các giao dịch mượn liên thư viện này. Các thư viện liên quan đến giao dịch tự xác định chính sách và mức phí cho các giao dịch mượn liên thư viện của mình.
3.5 EZ Proxy– Công cụ xác thực người dùng và truy cập CSDL điện tử từ xa
Truy cập vào các bộ CSDL từ bên ngoài dải IP thuộc khuôn viên thư viện/ trường đại học là một nhu cầu hiện hữu và thiết thực đối với mọi thư viện có sử dụng CSDL điện tử. EZ Proxy của OCLC là công cụ cho phép truy cập vào nguồn tài liệu điện tử của thư viện với một thao tác xác thực đơn giản. Ezproxy cho phép người dùng có thể truy cập vào một số lượng lớn các tài liệu từ các nhà cung cấp uy tín trên thế giới. Nó cũng có thể tích hợp vào các hệ thống phần mềm hiện có của thư viện để người dùng có thể truy cập vào vốn tài liệu của thư viện.
4. OCLC với các thư viện Việt Nam
Cũng như cộng đồng thư viện thế giới, tại Việt Nam cái tên OCLC được hầu hết mọi người làm trong ngành thông tin thư viện biết đến từ lâu. Đã có nhiều bài viết giới thiệu về OCLC của các tác giả lớn trong nước. Bên cạnh đó, trong chương trình giảng dạy ngành thông tin thư viện tại các trường đại học đều đã giới thiệu về OCLC và các dịch vụ của OCLC như là một đơn vị cung cấp giải pháp thư viện lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để hiểu một cách chi tiết các lợi ích khi gia nhập OCLC, các sản phẩm và dịch vụ của OCLC thì lại chưa có nhiều người làm việc này. Các thư viện mới chỉ tiếp cận được một phần nhỏ trong số rất nhiều sản phẩm của OCLC như là “Công cụ truy cập và xác thực người dùng từ xa EZ Proxy”, “Dự án dịch khung phân loại tài liệu DDC” tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, còn lại các giải pháp chính của OCLC về liên kết thư viện và chia sẻ dữ liệu lại chưa được hiểu và phát huy một cách đúng mức.
Lần đầu tiên OCLC đặt chân đến Việt Nam là khoảng đầu những năm 2000. Tuy nhiên nhận định về sự “chưa sẵn sàng” của nền tảng công nghệ cũng như mặt bằng trình độ của các thư viện Việt Nam đã khiến OCLC từ bỏ ý định phát triển thị trường thư viện Việt Nam tại thời điểm đó. Cuối năm 2014, OCLC quay trở lại Việt Nam lần thứ 2, và chỉ định Công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ số (IDT Vietnam) là đại diện ủy quyền duy nhất của OCLC tại Việt Nam. Từ đó đến nay, nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức, nhiều chuyến thăm và làm việc với các đơn vị đầu ngành đã diễn ra và điều này đã nâng cao rõ rệt nhận thức của các thư viện Việt Nam trong việc hợp tác liên kết và chia sẻ giữa các thư viện. Đã có những thư viện trở thành thành viên chính thức của OCLC như thư viện Tạ Quang Bửu (ĐH Bách Khoa HN), thư viện ĐH Hàng Hải, bên cạnh rất nhiều thư viện khác đang trong giai đoạn xúc tiến trở thành thành viên của OCLC và cân nhắc về khả năng sử dụng các giải pháp tổng thể của OCLC bao gồm phần mềm WMS, cổng tìm kiếm WCD, phần mềm Contentdm, dịch vụ mượn liên thư viện ILL. Đặc biệt trong xu hướng thành lập hàng loạt các nhóm/khối/liên hiệp thư viện hiện nay, có thể nói là OCLC là một giải pháp không thể tốt hơn cho các liên hiệp này phát huy việc hợp tác giữa các thư viện, thống nhất dữ liệu tập trung, chia sẻ dữ liệu,…
Tại hội nghị thường niên của OCLC khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức tại Hongkong tháng 12-2016, lần đầu tiên xuất hiện các đại biểu đến từ Việt Nam bao gồm các đại diện từ Vụ Thư viện, Thư viện Quốc Gia Việt Nam, Viện Thông tin KHXH, Thư viện ĐH Bách Khoa Hà Nội, và đại diện ủy quyền của OCLC Công ty IDT Vietnam. Đây là một diễn đàn quan trọng cho các thư viện thành viên OCLC và các thư viện khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có thể gặp gỡ, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, và cùng thảo luận về các xu hướng đang định hình tương lai của các thư viện phía trước. Hội nghị đã phần nào giúp cho các đại biểu thư viện Việt Nam hiểu được tầm vóc của OCLC và tầm quan trọng trong việc kết nối, hợp tác và chia sẻ giữa các thư viện trên thế giới. Đây cũng sẽ là xu hướng tất yếu của các thư viện Việt Nam trong thời gian tới.
5. Kết luận
OCLC có một triết lý: “If you go alone, you can go fast – If you go together, you should go far” (Dịch nghĩa: Nếu bạn đi một mình, bạn có thể đi nhanh – Nếu bạn đi cùng nhau, bạn sẽ đi xa). Hầu hết các thư viện Việt Nam hiện tại đang là các mảnh ghép rời rạc, đi một mình. Hy vọng là trong thời gian tới OCLC sẽ kết các mảnh nhỏ này thành những mảng lớn, có khả năng đi xa ra biển lớn toàn cầu và kết nối với các mảng lớn khác. Để phát triển, các thư viện Việt Nam buộc phải “Hợp tác – Kết nối – Chia sẻ”.
Tài liệu tham khảo
- http://www.oclc.org/en/home.html
- http://idtvietnam.vn/vi/
- Andrew H. Wang (2016). OCLC andServices OCLC Provides to Libraries
- Andrew H. Wang (2015). Who is OCLC and what does OCLC do, Hội thảo OCLC kết nối mạng thư viện toàn cầu, Đại học Bách khoa, Hà Nội.
- OCLC (2015). Worldcat.org aplatform for broad. Web-scale discovery and delivery of library resources. http://www.oclc.org/en-asiapacific/worldcat-org.html
- OCLC (2015). Worldcat Discovery Discovery and access to the World’s library collection for electronic, digital and physical materials,