Số hóa tài liệu nội sinh thúc đẩy đào tạo theo tín chỉ

1. Tổng quan về đào tạo theo tín chỉ

Những vấn đề chung về đào tạo theo tín chỉ:
Đào tạo theo tín chỉ hay phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ hay gọi tắt là Hệ thống tín chỉ là một phương thức đào tạo tiên tiến trong nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới. Nó còn được gọi là học chế tín chỉ để phân biệt với các phương pháp đào tạo ra đời trước nó như học chế niên chế, học chế học phần. Trên thế giới phương pháp này được áp dụng ở cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. [1]

Tại Việt Nam đào tạo theo tín chỉ được áp dụng cho hệ giáo dục đại học trong khoảng thời gian 10 năm trước. Vậy đào tạo theo tín chỉ là gì? Có thể hiểu đơn giản là ở hệ thống đào tạo theo tín chỉ, người học chỉ cần hoàn thành một số lượng môn học nhất định nhằm tích lũy đủ số TÍN CHỈ (CREDITS) quy định cho chương trình đào tạo đó. Khác biệt lớn nhất so với hệ thống đào tạo theo niên chế trước đây là, người học được chủ động sắp xếp lịch học của mình bằng cách đăng ký các môn học theo một trật tự quy định. [5]

Theo Quy chế Đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhận định về thuật ngữ tín chỉ như sau:
Tín chỉ được sử dụng để tính khối lượng học tập của sinh viên. Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết; 30 – 45 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận; 45 – 90 giờ thực tập tại cơ sở; 45 – 60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn hoặc đồ án, khoá luận tốt nghiệp. Đối với những học phần lý thuyết hoặc thực hành, thí nghiệm, để tiếp thu được một tín chỉ sinh viên phải dành ít nhất 30 giờ chuẩn bị cá nhân. Hiệu trưởng các trường quy định cụ thể số tiết, số giờ đối với từng học phần cho phù hợp với đặc điểm của trường. [2]

Ngoài ra định nghĩa về tín chỉ mà được các nhà quản lý và nghiên cứu giáo dục ở Việt Nam biết nhiều đến có thể nói đến học giả người Mỹ gốc Trung Quốc James Quann thuộc Đại học Washington. Trong buổi thuyết trình về hệ thống đào tạo theo tín chỉ tại Đại học Khoa học Công nghệ Hoa Trung, Vũ Hán mùa hè năm 1995, học giả James Quann trình bày cách hiểu của ông về tín chỉ như sau:
Tín chỉ học tập là một đại lượng đo toàn bộ thời gian bắt buộc của một người học bình thường để học một môn học cụ thể, bao gồm:
(1) thời gian lên lớp.
(2) thời gian ở trong phòng thí nghiệm, thực tập hoặc các phần việc khác đã được quy định ở thời khóa biểu.
(3) thời gian dành cho đọc sách, nghiên cứu, giải quyết vấn đề, viết hoặc chuẩn bị bài… [1]

Ưu điểm của đào tạo theo tín chỉ

1. Phương thức đào tạo theo tín chỉ lấy người học làm trung tâm trong quá trình dạy và học, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học.
2. Phương thức đào tạo theo tín chỉ có độ mềm dẻo và linh hoạt về môn học.
3. Phương thức đào tạo theo tín chỉ có độ mềm dẻo và linh hoạt về thời gian ra trường.
4. Phương thức đào tạo theo tín chỉ sẽ tạo được sự liên thông giữa các cấp đào tạo đại học và giữa các ngành đào tạo khác nhau của cùng một trường đại học hay xa hơn nữa là giữa các cơ sở đào tạo đại học giữa quốc gia này với các quốc gia khác trên thế giới.
5. Phương thức đào tạo theo tín chỉ đạt hiệu quả cao về mặt quản lý và giảm giá thành đào tạo.
6. Phương thức đào tạo theo tín chỉ vừa là thước đo khả năng học tập của người học, vừa là thước đo hiệu quả và thời gian làm việc của giáo viên.
7. Phương thức đào tạo theo tín chỉ có lợi không những cho tính toán ngân sách chi tiêu nội bộ của nhà trường mà còn cả cho việc tính toán để xin tài trợ từ nguồn ngân sách nhà nước và các nhà tài trợ khác.
8. Phương thức đào tạo theo tín chỉ là cơ sở để báo cáo các số liệu của trường đại học cho các cơ quan cấp trên và các đơn vị liên quan: một khi thước đo giờ tín chỉ được phát triển và kiện toàn, việc sử dụng nó như là một phương tiện để giám sát bên ngoài, để báo cáo và quản lý hành chính sẽ hữu hiệu hơn. [1]

Nhược điểm của đào tạo theo tín chỉ

Tổng kết lại ta có thể thấy dù ở cách nhìn nhận nào thì đào tạo theo tín chỉ vẫn là hình thức học tập tích lũy sao cho đủ số giờ và số tiết theo quy định môn học để hoàn thành chương trình giáo dục. Tuy nhiên có thấy rằng đối với mô hình giáo dục đào tạo như này sinh viên phải tự học thêm rất nhiều, theo Giáo sư Lâm Quang Thiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội có nhận định nhược điểm học theo tín chỉ là: Cắt vụn kiến thức: Phần lớn các module trong học chế tín chỉ được quy định tương đối nhỏ, cỡ 3 hoặc 4 tín chỉ, do đó không đủ thời gian để trình bày kiến thức một cách đầy đủ, bài bản theo một trình tự diễn biến liên tục, từ đó gây ấn tượng kiến thức bị cắt vụn. [1]

Hình ảnh minh họa đào tạo theo tín chỉ (Nguồn ảnh: http://kontum.edu.vn/

 

2. Tổng quan về tài liệu nội sinh

Những vấn đề chung về tài liệu nội sinh:
Để khắc phục cho việc thời gian trên lớp không đủ để học hết kiến thức về một môn học sinh viên bắt buộc phải tự học và đọc tài liệu trước để nghiên cứu, đến lớp chỉ là trao đổi lại những điều còn chưa hiểu với giảng viên. Địa điểm được coi là giảng đường thứ hai của mỗi trường học, nơi có chứa nhiều tài liệu tham khảo để phục vụ cho việc học tập của sinh viên là thư viện. Tại thư viện có chứa nhiều loại tài liệu quý giá phục vụ cho quá trình nghiên cứu và tự học của sinh viên, trong số đó loại tài liệu nội sinh, hay còn được hiểu là những tài liệu được hình thành trong quá trình hoạt động khoa học kỹ thuật, sản xuất, quản lý, nghiên cứu, học tập của các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học… [6] rất có giá trị trong hình thức đào tạo này.

Đặc điểm của tài liệu nội sinh:
Vốn tài liệu nội sinh có giá trị bởi lẽ theo tác giả Hoàng Thúy Liễu (Thư viện Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh) loại tài liệu này có những đặc điểm nổi bật sau:
– Tài liệu nội sinh là kết quả được tạo nên trong quá trình hoạt động, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, học tập… của một đơn vị. Đối với các Trường Đại học thì loại tài liệu này gồm có: luận án, luận văn, công trình nghiên cứu, kỷ yếu các hội nghị, hội thảo, các tài liệu sinh hoạt khoa học, bài giảng… Vì đặc điểm này nên các tài liệu nội sinh đều thuộc sự quản lý và điều hành trực tiếp của Nhà trường. Mọi hoạt động tổ chức, phục vụ dạng tài liệu này phần nhiều phụ thuộc vào chính sách chung của nhà lãnh đạo.
– Nguồn tài liệu nội sinh thường được tạo lập theo một chu kì nhất định tùy theo đặc điểm hoạt động của từng Trường Đại học. Nội dung của tài liệu thường đa dạng và có số lượng lớn. Chuyên môn đào tạo của Nhà trường sẽ quyết định nội dung, lĩnh vực mà nguồn tại liệu nôi sinh này cung cấp.
– Đa số nguồn tài liệu nội sinh được sử dụng nội bộ, ít công bố rộng rãi. Mặc dù là tài liệu không xuất bản nhưng loại tài liệu này vẫn được công bố rộng rãi dưới nhiều kênh phân phối đặc biệt và thu hút được sự quan tâm của đội ngũ những người làm công tác thông tin thư viện.
– Nguồn tài liệu nội sinh phản ánh tiềm lực hoạt động và hướng phát triển nghiên cứu của trường đại học. Điều này thể hiện qua số lượng tài liệu luận án, luận văn, qua số lượng đề tài nghiên cứu khoa học ở từng cấp bậc (cấp Trường, cấp Bộ, cấp Quốc gia). Bên cạnh đó nguồn tài liệu nội sinh còn phản ánh kết quả hoạt động, đào tạo của Nhà trường qua số lượng luận án, luận văn, kỷ yếu hội nghị… [6]

3. Số hóa tài liệu nội sinh trong thư viện

Những vấn đề chung về số hóa tài liệu nội sinh:
Số hóa tài liệu nội sinh trong thư viện là việc ứng dụng các công nghệ máy móc và phần mềm để thực hiện số hóa những tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động khoa học kỹ thuật, sản xuất, quản lý, nghiên cứu, học tập của các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học… Chuyển từ dạng truyền thống sang dạng số.

Ưu điểm của số hóa tài liệu nội sinh:
Như đã trình bày các ý ở trên việc đào tạo theo tín chỉ buộc sinh viên phải tự học ở trên thư viện để đảm bảo đầy đủ kiến thức cho mình, đặc biệt nhờ sử dụng vốn tài liệu nội sinh, loại tài liệu chứa nhiều thông tin khoa học để phục vụ đắc lực cho hoạt động này. Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay theo đánh giá của chuyên gia Nguyễn Hoàng Vĩnh Vương (Giám đốc Trung tâm Học liệu trường Đại học Cần Thơ) thì: Xu hướng phát triển số hoá nguồn tài liệu nội sinh để phục vụ lưu trữ, học tập, nghiên cứu và giảng dạy đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực thư viện CĐ-ĐH trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Trong tổng số 421 trường CĐ – ĐH trên cả nước thì có khoảng 20-30 trường có khả năng xây dựng và khai thác hiệu quả nguồn tài liệu nội sinh của trường mình như: Trung tâm Học liệu (Đại học Cần Thơ, Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên), Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Thông tin – Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, Thư viện Đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, Thư viện Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh, Thư viện Đại học Kinh tế Quốc dân, Thư viện Đại học Đà Lạt… [7]

Việc số hóa tài liệu nội sinh sở dĩ được phát triển nhiều tại các thư viện như vậy vì sẽ giúp đảm bảo đạt được các vấn đề sau:
– Chia sẻ thông tin không giới hạn bởi khoảng cách địa lí và thời gian.
– Lưu trữ và bảo và quản thông tin khỏi các tác nhân từ tự nhiên và môi trường.
– Khai thác triệt để thông tin thông qua các ứng dụng dịch vụ công nghệ để chỉnh sửa, tái sử dụng…
– Tiết kiệm không gian lưu trữ tài liệu.
– Tăng khả năng truy xuất, tìm kiếm, chia sẻ thông tin.
– Giảm chi phí trong các khâu bảo quản, tạo lập không gian lưu trữ,… cho tài liệu

Giải pháp để số hóa tài liệu nội sinh thúc đẩy đào tạo theo tín chỉ:
Chuyên gia Hoàng Vĩnh Vương (Giám đốc Trung tâm Học liệu trường Đại học Cần Thơ) có nhấn mạnh rằng: …số hoá tài liệu nội sinh là hoạt động đầu tư nhiều trí tuệ, công sức và tiền của, do đó việc đầu tư thực hiện cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về công nghệ số hoá, công nghệ tổ chức quản lý và khai thác tài liệu số, khả năng chia sẻ phục vụ, khả năng bảo trì hạ tầng công nghệ và cập nhật nội dung. [7]
Từ đó Công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ số chúng tôi xin giới thiệu đến quý bạn đọc tổng một số loại thiết bị máy móc để phục vụ việc số hóa tài liệu mà do Công ty chúng tôi hiện đang kinh doanh như sau:
Máy quét dạng trên cao (over-head scanner): sử dụng camera từ trên cao chụp lấy hình ảnh của tài liệu và tiến hành xử lý. Thường đây là dạng máy thủ công, cho phép quét một cuốn sách mà không cần tháo gáy.
Máy quét dạng bán tự động: cũng được bố trí camera kiểu máy quét over-head, tuy nhiên loại máy này thường được trang bị thêm giá sách chuyên dụng tự nâng hạ bằng mô tơ, có tấm kính giữ phẳng tài liệu tự đóng mở, và phần mềm của máy cho phép thiết lập các thao tác máy tự động scan, nâng hạ giá đỡ sách, đóng mở tấm kính. Khi đó người vận hành chỉ việc thao tác lật trang tài liệu. Các máy quét bán tự động có thể cho tốc độ khá cao lên đến trên 1.000 trang/giờ.
Máy quét dạng tự động: thường sử dụng Scanrobot, hoặc cánh tay robot để tự động lật giở trang sách. Máy sẽ kết hợp hệ thống camera chụp trong quá trình lật giở. Như vậy người vận hành chỉ việc thực hiện các thao tác điều khiển và theo dõi hoạt động của máy. Tốc độ của các máy quét tự động thường là rất cao, có thể lên tới 2.500 đến 3.000 trang/giờ.
Máy quét đa dụng kết hợp nhiều chức năng: đây thường là các hệ thống lớn cho phép quét nhiều loại tài liệu khác nhau như tài liệu giấy, tài liệu dạng vi phim, tài liệu kính, hoặc có thể chụp ảnh vật thể như tượng, đồng xu, con tem, mộc bản, văn bia… Dạng máy quét này thường được trang bị camera quét với độ phân giải cực cao và cho các kết quả số hóa là các hình ảnh chất lượng rất tốt.
Máy quét 3D: chuyên dụng cho việc quét mô hình các đối tượng vật thể như tượng, bình gốm sứ, trống đồng… Tuy nhiên việc số hóa mô hình 3D thường cho độ chân thực với bản gốc không cao như các máy chụp ảnh vật thể.
Ngoài ra trong nhiều mô hình thư viện hiện đại trong thời gian gần đây còn cho phép việc sử dụng các máy scan tự phục vụ (self-service scanner), tức là thư viện đặt các máy scan tại một số nơi trong thư viện, cho phép bạn đọc tự quét một phần tài liệu theo nhu cầu và gửi về email của mình. Bạn đọc tự thao tác và chịu trách nhiệm về hành vi bản quyền đối với tài liệu đó. [4]

Để quản lý những bộ sưu tập số này Công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ số còn cung cấp những phần mềm như sau:
Phần mềm Quản lý tài nguyên số Contendm: Contentdm là một giải pháp tổng thể cho một việc quản lý tài liệu số do OCLC cung cấp. Contentdm quản lý, lưu trữ các loại hình tài liệu số của thư viện và giới thiệu các tài liệu đấy đến với bạn đọc thông qua Website của Contentdm, Contentdm quản lý được các loại hình tài liệu với nhiều định dạng khác nhau như các file văn bản, âm thanh, hình ảnh, bản đồ, video, các file Microsoft Office. Khi sử dụng Contentdm các thư viện có thể chia sẻ các tài liệu trong thư viện với cộng đồng gần 3000 thư viện trên thế giới đang sử dụng ContentDm.
Phần mềm thư viện và lưu trữ số – Nainuwa: Nainuwa ™ là một phần mềm được xây dựng nhằm quản lý các bộ sưu tập số khổng lồ bao gồm của thư viện, viên nghiên cứu, trung tâm lưu trữ các cơ quan tổ chức. Giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý tập trung các bộ sưu tập số của thư viện. Nainuwa ™ được cung cấp bởi Treventus – công ty hàng đầu về thiết bị sản xuất thiết bị scanner, giải pháp số hóa, nổi bật với sản phẩn Scanrobot. Với các đặc điểm nổi bật:
1. Giao diện thiết kế:
– Đơn giản.
– Đầy đủ.
– Việt hóa.
– Phù hợp cho điện thoại, máy tính bảng.
2. Quản lý tài liệu và siêu dữ liệu
– Dung lượng tài liệu không giới hạn.
– Thu phóng tài kiệu vô cực.
– Đa dạng loại hình tài liệu.
– Cắt lấy thông tin trang tài liệu.
– Tạo cuốn tài liệu của riêng bạn từ trang/ cuốn tài liệu yêu thích.
3. Tìm kiếm toàn văn:
– Bộ lọc tìm kiếm đến từng trang tài liệu.
– Xem trước nội dung.
– Tải và in nhanh.
Phần mềm Quản lý thư viện Kipos – Phân hệ thư viện số: Thành công của KIPOS.DIGITAL bắt nguồn từ việc nghiên cứu và ứng dụng thành công tiêu chuẩn METS và từ đó chúng tôi đã đề xuất một kiến trúc đầy đủ, toàn diện và tốt nhất cho một hệ thống phần mềm thư viện số với 7 module chính:
1. Quản lý kho tư liệu số
2. Biên mục, biên tập đối tượng số
3. Tra cứu tài liệu số
4. Tìm kiếm toàn văn
5. Quản lý lưu thông tài liệu số
6. Trình diễn tài liệu số
7. Đóng gói chuyển giao tài liệu số

Hình ảnh giá tài liệu nội sinh của Trung tâm TT-TV Đại học Văn hóa Hà Nội (Nguồn: Hải Anh)

4. Kết luận

Tóm lại việc số hóa tài liệu nội sinh đang là xu hướng của các thư viện trong thời đại ngày nay để phục đào tạo theo tín chỉ, giúp ích không chỉ sinh viên trong quá trình khai thác sử dụng thông tin mà con giúp chính các thư viện trong quá trình tổ chức, quản lý thông tin.

Để được tư vấn thêm về ý tưởng này, vui lòng liên hệ:
VP Hà Nội: Biệt thự B2 Lô 18 Khu đô thị mới Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội
contact@idtvietnam.vn
024.3222.2720, hoặc 024.62911401
Kinh doanh: 038.786.5698
VP TP HCM: P.609, 43/4 Thành Thái, Phường 14, Quận 10, TP.HCM
tuanlq@idtvietnam.vn
028.2229.5501
0938.651.659
__________________________________________________________________________________________
Tài liệu tham khảo:

[1] Bách khoa toàn thư mở, Wikipedia Phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ, https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C6%B0%C6%A1ng_ph%C3%A1p_%C4%91%C3%A0o_t%E1%BA%A1o_theo_h%E1%BB%87_th%E1%BB%91ng_t%C3%ADn_ch%E1%BB%89#%C4%90%E1%BB%8Bnh_ngh%C4%A9a_v%E1%BB%81_t%C3%ADn_ch%E1%BB%89
[2] Bộ giáo dục và đào tạo (2007), Quy chế Đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
[3] Huỳnh Mẫn Đạt, Tài liệu nội sinh – Nguồn tin vô giá trong các trường đại học, truy cập vào ngày 10/06/2020 tại địa chỉ: https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/11364/1/Ky%20yeu%20Hoi%20thao%20CDSP%20Hue%203_6_1600012.pdf
[4] Dương Đình Hòa (2019), Ứng dụng giải pháp công nghệ trong hoạt động của thư viện, Kỷ yếu Hội nghị – Hội thảo: Tổng kết công tác ứng dụng Khung phân loại thập phân Dewey, ấn bản 23 tiếng Việt trong các thư viện Việt Nam (2014 – 2019), Thư viện Quốc gia Việt Nam, Đà Nẵng, tr.230 – 244.
[5] Nguyễn Hữu Việt Hưng, Học đại học theo tín chỉ là gì, truy cập vào ngày 10/06/2020 tại địa chỉ: http://sme.vimaru.edu.vn/kien-thuc-trao-doi/hoc-dai-hoc-theo-tin-chi-la-gi
[6] Hoàng Thúy Liễu (2012), Tài liệu nội sinh, truy cập vào ngày 10/06/2020 tại địa chỉ: http://www.glib.hcmus.edu.vn/bantin/bt512/Bai8.pdf
[7] Nguyễn Hoàng Vĩnh Vương (2014), Số hoá tài liệu nội sinh góp phần giảm khoảng cách số trong giáo dục và đào tạo cao đẳng – đại học, truy cập vào ngày 10/06/2020 tại địa chỉ: https://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/so-hoa-tai-lieu-noi-sinh-gop-phan-giam-khoang-cach-so-trong-giao-duc-va-dao-tao-cao-dang-dai-hoc.html
___________________________________________________________________________________________
Bài viết: Hải Anh.
Ngày đăng: 10/06/2020.
Ảnh bìa: https://www.globallyrecruit.com/

Chia sẻ:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *