Chuyển đổi số thư viện góp phần thúc đẩy văn hoá đọc
Trong thời đại công nghệ số hiện nay, văn hoá đọc của độc giả ngày càng thay đổi, thư viện truyền thống dần được thay thế bởi mô hình thư viện thông minh. Việc chuyển đổi số thư viện trong thư viện giúp góp phần nâng cao hiệu suất phục vụ, nâng cao trải nghiệm của người dùng. Đồng thời, giúp giảm diện tích, không gian lưu trữ trong thư viện.
Chuyển đổi số thư viện – xu hướng tất yếu hiện nay
Chuyển đổi số đang và sẽ tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy sự đổi mới vượt bậc trong hoạt động thư viện, đồng thời trở thành xu hướng phát triển tất yếu trong lĩnh vực này. Điểm khác biệt của thư viện thông minh trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam không chỉ nằm ở mô hình tổ chức, số lượng hoạt động hay hiệu quả vận hành, mà còn ở chất lượng dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến, cách thức tổ chức kho tài liệu, và đặc biệt là năng lực của đội ngũ cán bộ thư viện.
Dưới sự định hướng của Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc xây dựng các thư viện điện tử và tiến tới thư viện số đã được triển khai rộng rãi. Nhiều thư viện hiện nay đã sở hữu nguồn dữ liệu số phong phú và đa dạng. Chuyển đổi số trong ngành thư viện không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn là giải pháp hiệu quả để đáp ứng nhu cầu tra cứu tài liệu từ xa, đọc sách trực tuyến của độc giả, bảo tồn các tài liệu cổ quý giá và nâng cao năng suất công việc của cán bộ thư viện.
Để hiện thực hóa mô hình thư viện thông minh, ba yếu tố quan trọng cần được chú trọng là công nghệ, dữ liệu và con người. Trong đó, dữ liệu (như bộ sưu tập số, cơ sở dữ liệu thư mục, cơ sở dữ liệu toàn văn và tài nguyên thông tin) cùng với đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp là hai yếu tố cốt lõi. Đây chính là nguồn lực nền tảng để các thư viện có thể phục vụ tốt nhất nhu cầu của người đọc và người dùng tin.
Thống kê cho thấy, việc chuyển đổi và xây dựng dữ liệu số đã trở thành trọng tâm của các thư viện trên cả nước. Nhiều đơn vị đã tạo dựng được nguồn dữ liệu số phong phú, tiêu biểu như Thư viện Quốc gia Việt Nam với cơ sở dữ liệu thư mục lên đến khoảng 1 triệu biểu ghi. Hiện nay, thư viện này sở hữu hơn 180.000 tên sách, số báo, tương đương hơn 10 triệu trang tài nguyên số. Các tài nguyên này đã được đưa vào phục vụ hiệu quả thông qua hình thức khai thác trực tuyến và truy cập qua mạng nội bộ (LAN), góp phần phổ biến rộng rãi kho tàng tri thức dân tộc.
Thư viện đóng vai trò thiết yếu trong đời sống xã hội, là cơ quan cung cấp thông tin và giáo dục ngoài nhà trường. Không chỉ hỗ trợ học tập và nghiên cứu, thư viện còn đáp ứng nhu cầu giải trí, sản xuất, kinh doanh, cũng như sáng tạo của mọi cá nhân và tổ chức. Thông qua việc lưu trữ và chia sẻ kho tàng thông tin, tri thức, thư viện góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của cộng đồng và xã hội.
Áp dụng công nghệ giúp nâng cao hiệu quả chuyển đổi số thư viện
Cùng với việc xây dựng và chuyển đổi dữ liệu số, các thư viện ngày càng chú trọng đến việc hợp tác và chia sẻ tài nguyên thông tin giữa các thư viện trong nước và các thư viện ngoài thế giới. Hệ thống phần mềm của OCLC giúp đẩy mạnh quá trình kết nối, chia sẻ và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thông tin.
Đặc biệt, nhiều thư viện đã ứng dụng công nghệ số để phục vụ nhóm bạn đọc đặc biệt như người khuyết tật thị giác, triển khai sản xuất tài liệu phù hợp như sách nói kỹ thuật số, sách chữ nổi, đồng thời cung cấp nhiều dịch vụ tra cứu thông tin và sử dung máy tính với phần mềm chuyên biệt, hỗ trợ tối đa nhu cầu của người khiếm thị.
Bên cạnh đó, thư viện thông minh đang ngày càng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ trực tuyến như mượn sách điện tử, mượn sách trực tuyến, tham gia hội thảo hay khóa học trực tuyến, và nhận thông tin sách hay qua các nền tảng hiện đại. Các hoạt động tương tác cộng đồng cũng được duy trì thông qua Fanpage và diễn đàn trực tuyến, tạo nên cộng đồng bạn đọc phong phú và năng động.
Chuyển đổi số trong ngành thư viện không chỉ giúp người đọc tiếp cận dễ dàng hơn với kho tài liệu phong phú cả trong và ngoài nước, mà còn mở ra cơ hội phổ biến kiến thức và nâng cao văn hóa đọc. Đây được xem là một bước tiến lớn để xây dựng mạng lưới thư viện hiện đại, tạo đột phá trong phục vụ bạn đọc, đồng thời góp phần nâng cao trình độ dân trí và phát triển xã hội.