Định hướng mô hình Learning Commons tại Thư viện công cộng

1. LỜI NÓI ĐẦU

Công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ số (IDT) là một công ty có tính chuyên môn hóa cao trong lĩnh vực Thông tin – Thư viện. Trong nhiều năm qua Công ty đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển chung của ngành thư viện. Đặc biệt với việc nghiên cứu, tạo dựng, đề xuất định hướng xây dựng mô hình Learning Commons Công ty đã thành công với một số dự án lớn như: Dự án tổng thể Thư viện Thực hành Khoa Thư viện – Thông tin trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Dự án tổng thể xây dựng Thư viện Đại học Cần Thơ, Dự án tổng thể Thư viện Đại học Điện lực. Có thể thấy đây là những bước tiến lớn đáng kể của Công ty. Tuy nhiên trong thời gian qua dường như định hướng của một mô hình Learning Commons mới chỉ được dừng lại hoặc nhắc nhiều ở việc áp dụng cho các Thư viện trực thuộc khối trường Đại học, vậy đối với các Thư viện công cộng thì liệu rằng có áp dụng được không? Câu trả lời của cá nhân tác giả là hoàn toàn có thể có, và để bảo vệ cho ý kiến này của mình tác giả sẽ nói về một mô hình Định hướng Learning Commons tại Thư viện công cộng tiếp cận từ hướng lí thuyết.

2. NỘI DUNG

2.1. Nhận định về mô hình Learning Commons

Theo tác giả Lương Thị Thắm (Nguyên nhân viên Phòng Giải pháp thư viện Công ty IDT) thì “Learning Commons được định nghĩa như một không gian giáo dục, tương tự như thư viện và lớp học trong đó có các không gian và hạ tầng thiết bị phục vụ việc đọc, nghiên cứu, tự học, làm việc nhóm, sáng tạo, gặp gỡ, hay đơn thuần chỉ là thư giãn… Learning Commons là sự kết hợp giữa thư viện với công nghệ thông tin và các dịch vụ hỗ trợ học tập nhằm cung cấp những dịch vụ tốt nhất đáp ứng được tối đa các nhu cầu của người dùng. Đây là một không gian học tập năng động với kiến trúc, nội thất, trang thiết bị công nghệ và cách thức tổ chức quản lí luôn hướng đến người dùng.”  [6]

Theo tác giả Nguyễn Minh Hiệp (Nguyên Giám đốc Thư viện Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh) thì: “Learning Commons là một không gian học tập mang tính cộng động nơi mà sinh viên có thể tụ họp lại, nghiên cứu có định hướng, học tập và thư giãn. Như là một mô hình học tập của thế kỷ XXI, nơi mà cán bộ thư viện cùng với chuyên viên thông tin cộng tác với chuyên viên quản lý đào tạo trong trường học và đội ngũ công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ cùng sự hỗ trợ trên phạm vi rộng. Từ việc truy cập cơ sở dữ liệu trực tuyến, nghiên cứu trên internet đến việc cộng tác với những thầy giáo về những dự án có nghiên cứu tích hợp với công nghệ với việc sử dụng những trang thiết bị tin học (phần cứng, máy in, scanner, vv…).” [3]

Cùng đồng quan điểm với các lí luận trên Phòng Thông tin Khoa học Quân sự (Học viện Kĩ thuật Quân sự) cũng đã nhấn mạnh lại rằng: “Một mô hình Learning Commons đúng nghĩa bao gồm nhiều khu vực chức năng và thành phần công nghệ hiện đại, là sự kết hợp hài hòa giữa thư viện, trung tâm giảng dạy, trung tâm đa phương tiện và các dịch vụ hỗ trơ học tập khác nhau.” [4]

Từ các định nghĩa trên, tác giả có nhận định ngắn gọn lại về định nghĩa mô hình Learning Commons (không gian học tập chung) như sau: Đây là mô hình thư viện mở áp dụng các trang thiết bị, cơ sở vật chất bằng công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ tiện ích hướng tới nhu cầu của người dùng tin; coi người dùng tin là trung tâm của mọi hoạt động của mình. 

2.2. Định hướng mô hình Learning Commons tại Thư viện công cộng

Theo các tài liệu tác giả tham khảo được về mô hình Learning Commons cùng kinh nghiệm làm việc tại Công ty IDT thì cá nhân tác giả có đề xuất về Định hướng mô hình Learning Commons tại Thư viện công cộng với 16 khu vực [1] như sau:

Không gian chung: thường là đại sảnh chính của thư viện, nơi trang trí với nhiều hình vẽ, vật dụng bắt mắt, thân thiện, cài đặt với các hệ thống an ninh như: bộ cổng an ninh RFID có thể mở rộng thành nhiều cánh và lối đi (2 cánh 1 lối đi, 3 cánh 2 lối đi), các thiết bị camera giám sát…

Quầy thông tin: nơi làm việc của cán bộ thư viện bộ phận Dịch vụ, chuyên giải đáp các thắc mắc, hướng dẫn người dùng tin sử dụng các dịch vụ tại thư viện. Tại đây sẽ có Kiosk tra cứu tài liệu phục vụ công tác tìm kiếm tài liệu cho người dùng tin.

Khu vực không gian chia sẻ S.hubkhông gian sáng tạo với nhiều ứng dụng công nghệ, với các hoạt động định hướng đến công nghệ thông tin vào việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên thông tin của thư viện. Có các thiết bị chuyên dụng của thư viện như: máy Kiosk tra cứu sách, tủ mượn sách mini, giá trả sách thông minh…

Kho mượn: nơi này trang bị các máy Kiosk tra cứu tài liệu, trạm thủ thư, giá trả sách thông minh, trạm mượn trả 24/7 giúp cho người dùng tin đến thư viện có thể dễ dàng làm thủ tục mượn/ trả tài liệu. Ngoài ra có thể lắp đặt thêm máy khử trùng tài liệu ngay tại đây, trước những trường hợp tài liệu có khá nhiều bụi bẩn có thể đem vào máy để làm sạch rồi mới cho người dùng tin mượn về để sử dụng.

Trung tâm đa phương tiện: trung tâm lắp đặt hệ thống các bộ máy tính có cài đặt theo nhiều tiện ích công nghệ để người dùng tin có thể khai thác và sử dụng triệt để tính năng của khu vực này.

Phòng đào tạo người dùng tin: phòng dành cho công việc đào tạo về kiến thức thông tin do thư viện bố trí, có hệ thống màn chiếu, máy tính cơ bản để phục vụ công tác giảng dạy này.

Phòng đọc doanh nhân: phòng đọc đặc biệt phải trả phí cao hơn so với phí thẻ bạn đọc thông thường, trong phòng có bố trí Kiosk tra cứu sách, máy chiếu, máy vi tính, hệ thống làm ấm/ mát, cùng các loại sofa… để phục vụ các doanh nhân có nhu cầu đăng kí sử dụng. Người dùng tin là các doanh nhân tại đây còn có quyền truy cập vào các bộ Cơ sở dữ liệu Quốc tế để tham khảo về các vấn đề mình quan tâm đến kinh tế, thuế , luật… với nhiều tiện ích, hình ảnh, sơ đồ dưới dạng các tài liệu số khác nhau như tạp chí, sách, báo… thông qua các bộ Cơ sở dữ liệu như OECD iLibrary, ITU iLibrary…

Khu tự học: khu vực được bày trí xen kẽ nhiều giá sách với nhiều loại chủ đề thông dụng khác nhau với các khu vực để bàn ghế ngồi cho người dùng tin sử dụng.

Khu vực đọc của thiếu nhi: khu vực đặc biệt với toàn bộ bàn ghế, trang thiết bị tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em, cách xa với các khu vực có trang thiết bị hiện đại khác. Trong khu vực này được trang trí với nhiều hình ảnh đáng yêu, bắt mắt… gây thiện cảm với các em như hình vẽ các nhân vật trong hoạt hình, cổ tích… Thường xuyên có các hoạt động hướng dẫn đọc sách cho các em thiếu nhi, định hướng phương pháp đọc và cách tiếp cận tri thức.

Khu vực làm việc nhóm: khu vực sử dụng theo nhóm, thường là học nhóm được thuê hoặc đăng ký mượn từ trước có lắp đặt hệ thống Access Controller, máy đặt chỗ…

Căng – tin: khu vực bán các đồ ăn và đồ uống theo dạng tiện lợi cho người dùng tin tại thư viện.

Khu vực in ấn/ photo: nơi để các loại máy photo, Scan – Số hóa thông minh, thông minh, bán tự động của thư viện để phục vụ người dùng tin sử dụng.

Khu trưng bày giới thiệu sách mới: nơi trưng bày sách theo chủ đề triển lãm của thư viện, hoặc giới thiệu sách mới. Hỗ trợ bằng máy chiếu, thiết bị trình diễn tài liệu.

Khu ấn phẩm xuất bản của địa phương: khu vực trưng bày hoặc bán các sản phẩm, ấn phẩm về địa phương hoặc do địa phương làm ra.

Khu học của học sinh: khu vực dành cho học sinh của địa phương, phối hợp với các trường học tại địa phương thường xuyên các ngày trong tuần tổ chức các buổi học, đọc sách tại thư viện, chính vì vậy tại khu vực này có các loại tài liệu cơ bản về các môn học đươc dạy tại các trường học theo đúng chương trình giáo dục hiện hành của nhà nước, cùng các loại sách văn học kinh điển căn bản, các loại sách tham khảo khác. Ngoài ra khu vực này còn có lắp đặt máy tính, màn chiếu,…

Khu hành chính thư viện: khu làm việc của các cán bộ thư viện, phần nhiều thuộc bộ phận Biên mục mô tả, Số hóa, và lãnh đạo thư viện, chính vì vậy cần các loại máy Scan – Số hóa chuyên dụng, phần mềm quản trị tích hợp thư viện, trạm thủ thư để lập trình tài liệu, máy tính,…

2.3. Ý nghĩa của mô hình Learning Commons tại Thư viện công cộng

Vậy với những khu vực được trang bị hiện đại các thiết bị, máy móc và công nghệ như vậy mô hình Learning Commons tại Thư viện công cộng đem lại những ý nghĩa sau:

– Đối với cán bộ thư viện

+ Hỗ trợ tiện ích trong công tác nghiệp vụ thư viện: xử lý, tổ chức, phân loại, bảo quản và phổ biến thông tin.

+ Giảm sức lao động của con người, tăng hiệu quả năng suất công việc phục vụ tin cho bạn đọc.

+ Tạo thêm năng lực và các kĩ năng đi kèm cho người cán bộ thư viện trong việc vận hành, quản lý mô hình thư viện kiểu này.

+ Tạo tiền đề cho những sáng tạo tư duy về các sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện.

– Đối với bạn đọc

+ Tạo điều kiện để bạn đọc có thể tiếp cận và khai thác tốt với nguồn tài nguyên thông tin có tại thư viện thông qua các ứng dụng và tiện ích công nghệ mà mô hình này đem lại.

+ Tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, học tập và giải trí của bạn đọc tại thư viện.

+ Góp phần giảm thiểu bất bình đẳng xã hội, phân biệt bạn đọc thông qua trình độ học vấn, giới tính, giai cấp xã hội… thông qua những không gian chung (phòng học nhóm, phòng đọc mở,…).

+ Kích thích “hứng thú đọc” cho bạn đọc, tạo lập một cộng đồng tri thức văn hóa đọc.  Qua đó hình thành, xác định được cho bạn đọc các “nhu cầu tin” và “yêu cầu tin”.

3. KẾT LUẬN

Trong thời đại ngày nay với nhu cầu tin ngày lớn, bạn đọc ngày càng đòi hỏi ở những thư viện sự thay đổi ngoạn mục cả về số lượng và chất lượng, để làm được điều đó, trước hết, với vấn đề thay đổi “giao diện” và “cách thức hoạt động” Công ty Cổ phần Thông tin và Công nghệ số (IDT) đã đóng góp lí luận về xây dựng về một mô hình định hướng Learning Commons. Với cá nhân tác giả bài viết Định hướng mô hình Learning Commons tại Thư viện công cộng cũng là một lí luận nhỏ để tham khảo áp dụng mô hình này vào hệ thống Thư viện công cộng.

PHỤ LỤC HÌNH ẢNH MINH HỌA MÔ HÌNH LEARNING COMMONS TẠI THƯ VIỆN CÔNG CỘNG (SƯU TẦM INTERNET):
 

thư viện thông minh

 

Thư viện thông minh

 

Thư viện thông minh

 

Thư viện thông minh

 

Thư viện thông minh

_____________________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đỗ Hải Anh (2019), Đề xuất xây dựng sản phẩm và dịch vụ phục vụ người nghèo theo định hướng mô hình Learning Commons tại Thư viện Công cộng, truy cập tại địa chỉ: https://idtvietnam.vn/vi/de-xuat-xay-dung-san-pham-va-dich-vu-phuc-vu-nguoi-ngheo-theo-dinh-huong-mo-hinh-learning-commons vào ngày 31/07/2020.
[2] Đỗ Hải Anh (2019), Định hướng mô hình Learning Commons tại Thư viện Đại học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, truy cập tại địa chỉ: https://idtvietnam.vn/vi/dinh-huong-mo-hinh-learning-commons-tai-thu-vien-dai-hoc-gop-phan-nang-cao-chat-luong-giao-duc-va ngày 31/07/2020.
[3] Nguyễn Minh Hiệp (2011), Xu hướng xây dựng không gian học tập chung (Learning Commons), truy cập vào ngày 27/11/2019 tại địa chỉ: http://www.glib.hcmus.edu.vn/bantin/bt1111/Bai1.pdf?fbclid=IwAR3YjwESJM8ioletdVx0LCcgPmEN0mN2o9ZRa31MmYrDrKiF9BRm9EuVNlk ngày 31/07/2020.
[4] Phòng Thông tin Khoa học Quân sự (Học viện Kĩ thuật Quân sự) (2019), Chuyên san đại học thông minh, Học viện Kĩ thuật Quân sự, Hà Nội.
[5] Lê Thị Huyền Trang (chủ nhiệm), Xây dựng và tổ chức thư viện theo mô hình “không gian học tập chung” tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
[6] Lương Thị Thắm (2016), Xây dựng thư viện hiện đại theo hướng Learning Commons – Không gian học tập chung,  Tạp chí Thư viện Việt Nam Số 4 (60), Hà Nội.
[7] Lương Thị Thắm, Nguyễn Thị Khánh Ly (2019), Không gian thư viện hiện đại, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hà Nội, tr. 184 – 191.
__________________________________________
Bài viết: Hải Anh.
Ngày đăng: 05/09/2020.
Ảnh bìa: Thedailybeast.

 

Chia sẻ:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *