Vai trò của các thư viện trong việc thúc đẩy sự phát triển của nhân văn số

Công nghệ hiện đại đang góp phần hỗ trợ cho sự phát triển không ngừng của các quốc gia trên thế giới. Việc ứng dụng kỹ thuật số, khoa học máy tính vào quá trình nghiên cứu, quản lý, lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hoá, ngôn ngữ, nhân văn… đã trở nên ngày càng quan trọng hơn trong một xã hội văn minh và tiến bộ. Nhân văn số ra đời sẽ giúp kết nối các nhà nghiên cứu thông qua việc ứng dụng công nghệ mới vào các ngành khoa học nhân văn, gìn giữ các nền văn hoá và xa hơn nữa là thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nhân loại trong tương lai.

1. Khái quát về nhân văn số

Nhân văn số (digital humanities) là một lĩnh vực nghiên cứu có liên quan đến nhiều ngành khoa học, trong đó có khoa học xã hội và nhân văn. Trước khi đi vào khái niệm nhân văn số, chúng ta hãy cùng tìm hiểu sơ lược về khoa học nhân văn. Khoa học nhân văn hay còn gọi là khoa học nhân loại là ngành nghiên cứu và giải thích các kinh nghiệm, hoạt động, xây dựng và chế tác liên quan tới con người, bao hàm hay có liên quan tới các ngành khoa học xã hội, nhân văn học và nghệ thuật [12]. Nhìn chung, khoa học nhân văn là ngành khoa học nghiên cứu về con người là chủ yếu, vì con người là chủ thể tạo nên mọi khía cạnh khác nhau của cuộc sống nói chung và các ngành thuộc khoa học nhân văn nói riêng.

Không có sự tách biệt hoàn toàn giữa khoa học xã hội và khoa học nhân văn, vì ở góc độ nào đó, trong khoa học xã hội có bao hàm một số phần thuộc khoa học nhân văn và ngược lại. Có nhiều sự giao thoa giữa khoa học xã hội và khoa học nhân văn. Ví dụ như “lịch sử”, nếu đứng dưới góc nhìn biến động và phát triển xã hội thông qua các sự kiện, tiến trình, thời gian thì là khoa học xã hội. Tuy nhiên, khi đứng dưới góc nhìn về con người, là tác nhân tạo nên quá khứ thì lại thuộc về khoa học nhân văn. Sau đây, xin gọi tắt các ngành khoa học nhân văn là các ngành nhân văn. Một số ngành nhân văn tiêu biểu có thể kể đến như: ngôn ngữ học, văn học, tôn giáo, nghệ thuật, nhân học, văn hoá.

Khái niệm về nhân văn số đã manh nha xuất hiện vào những năm 40 của thế kỷ XX, khi một số nhà nghiên cứu bắt đầu nghĩ đến việc sử dụng các kỹ thuật tính toán, khoa học máy tính, khoa học tự nhiên vào nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, khi công nghệ phát triển thì những ứng dụng theo nó cũng có rất nhiều sự thay đổi. Cho nên, ở mỗi thời kỳ, khái niệm nhân văn số đều được điều chỉnh lại và sử dụng cho phù hợp.

Khi nhìn ở các góc độ khác nhau thì sẽ có các định nghĩa về nhân văn số khác nhau. Tuy nhiên, một định nghĩa có phần dễ hiểu và được sử dụng rộng rãi là: nhân văn số chính là lĩnh vực nghiên cứu có sự kết hợp giữa khoa học máy tính và các ngành thuộc khoa học nhân văn. Như vậy, có thể hiểu nhân văn số là một lĩnh vực học thuật nằm ở vùng giao thoa của khoa học máy tính (hoặc kỹ thuật số) và các ngành nhân văn. Nhân văn số là tập hợp những phương pháp học thuật mới bao gồm khả năng hợp tác, liên ngành và nghiên cứu, giảng dạy, xuất bản với sự giúp đỡ của máy tính. Nó mang đến các công cụ và phương pháp kỹ thuật số cho việc nghiên cứu các ngành nhân văn với việc nhìn nhận văn bản giấy không còn là phương tiện chính để sản xuất và phổ biến kiến thức [7].

Do vậy, việc sử dụng những thành tựu của khoa học máy tính, phương pháp tính toán, công nghệ mới vào việc nghiên cứu, giảng dạy và xuất bản trong các ngành nhân văn giữ vai trò cốt lõi. Một yếu tố rất quan trọng ở đây là khi nghiên cứu nhân văn số rất cần sự giúp đỡ của máy tính để có thể thao tác với dữ liệu. Ví dụ như khi nghiên cứu về một hệ ngôn ngữ, chúng ta cần có phương pháp tính toán, so sánh đối chiếu từ hệ ngôn ngữ này với hệ ngôn ngữ khác. Việc sử dụng công cụ máy tính có thể giúp các nhà nghiên cứu dễ dàng thực hiện các phân tích, thống kê, mô hình hoá và vẽ các sơ đồ.

Số hoá tài liệu là một trong những phương pháp quan trọng được sử dụng trong nhân văn số.

Dữ liệu có thể đến từ quá trình số hoá tài liệu hoặc được nhập liệu vào theo một số cách thức nào đó để máy tính có thể lưu trữ và xử lý được. Bên cạnh đó, việc đảm bảo toàn vẹn cho các bộ dữ liệu này là một thách thức lớn, khi mà số lượng người dùng Internet của các hệ thống đang ngày càng gia tăng rất nhanh.

Hình 1: Phân tích người dùng mạng xã hội Twitter trong ngành nhân văn số [7]

Hình 1: Phân tích người dùng mạng xã hội Twitter trong ngành nhân văn số [7]

 

Hiện nay, ở nước ta đã có nhiều nơi sử dụng khái niệm “nhân văn số thức”. Tuy nhiên, nhìn chung thì đó cũng chính là cách thể hiện khác nhau của nhân văn số. “Nhân văn số thức” mang đầy đủ những đặc trưng cơ bản và ý nghĩa như là nhân văn số. Một cách lý giải có thể được sử dụng ở đây là do có sự chú trọng về mặt nhận thức đối với việc áp dụng các công cụ kỹ thuật số trong lưu giữ, bảo tồn và nghiên cứu các ngành nhân văn nên đã xuất hiện thêm khái niệm “nhân văn số thức” này. Nó đề cập đến phần cốt lõi là sử dụng công nghệ trong việc lưu giữ và xử lý tri thức, di sản và tư liệu.

Về vấn đề thuật ngữ, trước khi thuật ngữ nhân văn số được dùng rộng rãi, đã có một số thuật ngữ khác nhau được sử dụng như là: Tính toán nhân văn (Humanities computing), Kiến thức thông tin (Informatics literacy), Ngôn ngữ học tính toán (Computational linguistics) hoặc Tính toán ngôn ngữ (Linguistics computing). Sự phát triển của nhân văn số trong nhiều ngành nhân văn đã làm phát sinh nhiều thuật ngữ khác nhau. Vào thời kỳ đầu (khởi thuỷ), người ta thường sử dụng máy tính vào việc nghiên cứu văn thơ và ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ học. Ở giai đoạn này, khi nói đến nhân văn số hoặc việc ứng dụng kỹ thuật số trong nhân văn người ta có thể nghĩ ngay đến ngôn ngữ và thơ ca.

Đến năm 1966, Tạp chí Computers and Humanities trở thành tạp chí được xuất bản đầu tiên có sử dụng thuật ngữ nhân văn số. Bắt đầu từ thời điểm này, thuật ngữ nhân văn số được dùng thay thế cho những thuật ngữ khác trước đó. Việc nghiên cứu về nhân văn số đã phát triển mạnh mẽ kể từ lúc này và nhiều nơi đã khuyến khích sử dụng công nghệ và kỹ thuật số vào việc nghiên cứu các ngành nhân văn. Tạp chí Computers and Humanities sau đó đã được đổi tên thành Language Resources and Evaluation (năm 2005) cho phù hợp với mục tiêu phát triển và phạm vi của các nghiên cứu được xuất bản trong nó. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là tạp chí đầu tiên đề cập đến những khía cạnh khác nhau của lĩnh vực nhân văn số trên thế giới.

Cha Roberto Busa, một linh mục đã được vinh danh là nhà nhân văn số đầu tiên trên thế giới đã kết hợp các công cụ máy tính và kho tư liệu được lưu trữ dưới dạng giấy để tạo ra một bảng tra liên quan đến lĩnh vực tôn giáo. Bảng tra của ông với tên gọi “Bản chỉ mục Thomas” (Index Thomisticus) đồ sộ đã trở thành một trong những minh chứng rõ nét nhất cho sự phát triển nhân văn số vào buổi ban đầu. Cha Busa đã lên kế hoạch thực hiện bảng tra này từ năm 1946. Tuy nhiên, mãi đến năm 1949, ông mới bắt đầu thu thập dữ liệu và tiến hành các thử nghiệm của mình. Ông đã làm việc với người sáng lập ra Tập đoàn IBM Thomas Watson cùng một số cộng sự ở New York và trong các phòng thí nghiệm có trụ sở chính ở Milan. Công trình của ông đã hoàn thành trong một thời gian khá dài (20 năm) với sự đầu tư lớn về công sức. Sau này, ông còn được biết đến là một trong những người có nhiều đóng góp, đặt nền móng cho sự phát triển của mạng Internet toàn cầu [11,12].

Trong lịch sử, nhiều nhà nghiên cứu có xu hướng dùng kỹ thuật số. Lịch sử, nhân học, khảo cổ là những ngành cần có sự hỗ trợ của các phương pháp tính toán, lưu trữ cũng như xử lý và phân tích số liệu. Chúng ta hoàn toàn có thể dựng lại các mô hình (Hình 2), nhà nghiên cứu có thể dựng lại thông tin cần thiết của các di sản văn hoá ở Venice (Ý) nhằm phục vụ cho việc trùng tu hoặc nghiên cứu sâu hơn về chúng. Một ví dụ khác là khi các nhà khoa học tìm được một xác ướp hoặc một bộ hài cốt, họ có thể sử dụng những dữ liệu xung quanh, để dựng lại mô hình hoặc thậm chí tái hiện được hình dáng của người đã được chôn cất ở đó rất nhiều năm về trước.

Cỗ máy thời gian Venice ​

Hình 2: Dự án “Cỗ máy thời gian Venice” thu thập và kết nối tất cả các thông tin, tư liệu, di sản văn hoá về thành phố này trong một kho dữ liệu mở trên mạng [6]

2. Một số lợi ích khi ứng dụng nhân văn số

2.1.Hỗ trợ việc bảo quản tài liệu và bảo tồn văn hoá

Nhân văn số mang lại ý nghĩa và lợi ích trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hoá. Trước đây, khi tiếp cận với một nền văn hoá, thường thì chúng ta sẽ tìm hiểu thông qua sách vở, tư liệu và thậm chí là đi tham quan thực địa đối với những nền văn hoá còn tồn tại vật lý. Điều này giúp mở ra cái nhìn hoàn toàn mới về những thứ mà chúng ta chưa từng biết đến. Ngày nay, với công nghệ thực tế ảo, người ta có thể dàn dựng ra các mô hình và chúng ta hoàn toàn có thể sống trong một nền văn hoá với rất nhiều thông tin về nó. Tuy không rõ ràng như khi đến thực địa, nhưng cũng giúp chúng ta có nhiều khả năng thấu hiểu và tương tác hơn so với việc chỉ đọc và tưởng tượng qua sách vở.

Việc ứng dụng nhân văn số sẽ giúp cho quá trình lưu trữ và bảo quản tài liệu được tốt hơn. Những tài liệu được in trên giấy thường sẽ có thời gian lưu trữ ngắn và mức độ hao mòn, mất mát cao hơn các tài liệu được lưu trữ số hoá và sao lưu thường xuyên. Hầu hết các vật mang tin như phiến đá, mai rùa, xương thú, vỏ cây, giấy… chỉ giúp lưu trữ thông tin một khoảng thời gian trước khi những cấu trúc vật lý đó bị hư hỏng dần. Do vậy, việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số, thiết bị lưu trữ số hoá sẽ là lựa chọn tốt hơn nhiều để lưu lại những giá trị của các tài liệu một cách lâu dài và bền vững.

Điều này càng có ý nghĩa hơn đối với các di sản văn hoá của các quốc gia trên thế giới, khi mà phương pháp lưu trữ vật lý gặp nhiều hạn chế và khó đứng vững trước những biến đổi theo thời gian của các mẫu hiện vật, công trình. Vấn đề sử dụng nhân văn số để bảo tồn di sản văn hoá và lịch sử đóng một vai trò rất quan trọng. Nhân văn số sẽ giúp lưu trữ bền vững các giá trị di sản và tránh nguy cơ mất mát đe doạ đến sự tồn vong của chúng. Đất nước ta là một đất nước có nền văn hoá đa dạng, giàu bản sắc dân tộc và bề dày lịch sử trải dài hàng thiên niên kỷ với rất nhiều hệ giá trị quý báu. Tuy nhiên, có những di sản văn hoá sau khoảng mười năm hoặc vài chục năm đã biến mất hoàn toàn. Vì vậy, nếu không sử dụng nhân văn số để hỗ trợ lưu giữ, một khi những giá trị di sản bị mất đi chúng ta sẽ không có cách nào tìm lại được và đó là những sự mất mát lớn.

Về mặt ngôn ngữ, có những từ vựng đã biến mất hoàn toàn sau vài chục năm, có những bản cổ văn, cổ ngữ ngày nay không còn nữa, thậm chí sau một vài thay đổi trong cách ứng xử xã hội sẽ dẫn đến sự biến đổi trong hệ thống từ vựng của một ngôn ngữ. Những vấn đề này được giải quyết tốt khi chúng ta áp dụng kỹ thuật số vào việc lưu trữ và gìn giữ các giá trị của ngôn ngữ cũng như của nền văn hoá, giúp lưu truyền cho thế hệ mai sau những tư liệu quý báu.

Bên cạnh ngôn ngữ, các di sản phi vật thể cũng cần được chú trọng bảo tồn và lưu giữ. Các loại hình nghệ thuật, âm nhạc, hội hoạ, sinh hoạt cộng đồng chứa đựng nhiều giá trị vô giá, sản phẩm tinh thần của cả dân tộc cần được quan tâm và bảo vệ hơn nữa. Một trong những biện pháp quan trọng và hiệu quả là ứng dụng nhân văn số vào việc lưu trữ và bảo tồn chúng.

Hiện tại ở nước ta, lĩnh vực được ứng dụng nhân văn số nhiều nhất là lĩnh vực Hán Nôm. Nhân văn số đã được sử dụng một cách tích cực nhằm giúp các cơ quan lưu trữ và quản lý, khai thác những tư liệu Hán Nôm quý giá và đa dạng. Nhiều thư viện công cộng đã tham gia lưu trữ những tài liệu quý như là các tài liệu thư tịch cổ. Khi có một số tài liệu không thể khôi phục được nguyên trạng, thì có thể áp dụng các kỹ thuật lưu trữ từng phần nhằm duy trì phiên bản sao chép tốt nhất có thể. Đặc biệt khi nhiều tài liệu quý bị rách, nhàu, rách dần từ mép vào trong và đến một lúc nào đó sẽ bị mất cả phần chính văn.

Nước ta là một nước có khí hậu nhiệt đới, điều kiện bảo quản vẫn còn nhiều điểm hạn chế, nên việc lưu giữ tài liệu giấy một cách dài lâu sẽ gặp nhiều khó khăn. Thay vào đó, nếu ứng dụng các công cụ kỹ thuật số vào việc số hoá và lưu trữ thì sẽ có nhiều lợi thế hơn, từ việc số hoá và chuyển đổi cho đến truy cập và quản lý một cách hiệu quả.

2.2. Xây dựng mô hình Library Lab

Mô hình Library Lab có thể được xem như là một hướng tiếp cận mới đối với sự phát triển của các dịch vụ trong thư viện. Việc sử dụng Library Lab có liên quan đến lĩnh vực nhân văn số vì nó tạo ra các bộ sưu tập số hoá có bản quyền. Các bộ sưu tập số hoá này sẽ được phát triển cả về quy mô và chất lượng, trở thành tài sản vô giá không chỉ với thư viện mà còn của cả quốc gia lưu giữ bộ sưu tập đó. Khi xây dựng Library Lab, không chỉ có các bộ sưu tập phong phú mà nền tảng công nghệ cũng như kỹ năng tương tác của người dùng trong hệ thống sẽ được nâng cao đáng kể. Người làm thư viện sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tham gia vào quá trình nghiên cứu, tương tác và kết nối các nhà khoa học, góp phần định hướng và hỗ trợ cho họ đạt nhiều thành tựu mới.

2.3. Tận dụng nguồn lực từ dịch vụ đám đông

Nhân văn số có thể được sử dụng trong các dịch vụ đám đông (crowsourcing), nơi tận dụng sức mạnh và các nguồn lực đến từ cộng đồng người dùng rộng lớn. Khi có một vấn đề hay công việc cần giải quyết, người đề xuất có thể đưa vấn đề đó lên mạng Internet. Sẽ có rất nhiều người quan tâm và khi đó, mỗi người sẽ giải quyết và hoàn thiện từng phần. Cuối cùng là sử dụng sức mạnh trí tuệ của đám đông để hoàn thành công việc với kết quả tốt nhất có thể.

Nhân văn số sẽ cung cấp góc nhìn và quan điểm đa chiều. Thường thì các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn có thói quen và phong cách nghiên cứu khác biệt so với các nhà nghiên cứu khoa học – công nghệ. Các nhà nghiên cứu công nghệ thường tạo các nhóm để cùng làm việc và cộng tác, chia sẻ trong khi các nhà nghiên cứu nhân văn thường có xu hướng làm một mình. Thay đổi cách thức làm việc cũng là một sự cần thiết và giúp tăng khả năng hoà nhập, tận dụng sức mạnh tập thể trong nghiên cứu. Khi ứng dụng công cụ kỹ thuật số vào nghiên cứu khoa học nhân văn sẽ giúp nâng cao khả năng tương tác giữa các nhà khoa học và tạo ra nhiều cơ hội cũng như ý tưởng mới, từ đó góp phần cải thiện chất lượng của các nghiên cứu mới.

2.4. Nâng cao hiệu quả sử dụng dữ liệu

Khi sử dụng nhân văn số, chúng ta có thể hiệu quả hoá dữ liệu, tức là giúp cho việc sử dụng dữ liệu được hợp lý và tối ưu hơn trong quá trình nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu nhân văn cần nhiều dữ liệu để phục vụ cho quá trình nghiên cứu, nhưng họ thường không có công cụ hiệu quả để quản lý nguồn dữ liệu đó. Với nhân văn số, chúng ta có thể quản lý, ghép nối, khai thác dữ liệu để từ đó sơ đồ hoá và mô hình hoá dữ liệu. Rõ ràng công nghệ kỹ thuật số sẽ hỗ trợ tốt hơn, có nhiều lợi thế hơn trong vấn đề quản lý dữ liệu giúp cho quá trình nghiên cứu đạt hiệu quả cao.

2.5. Nâng cao hiệu quả nghiên cứu, giảng dạy và học tập

Ứng dụng nhân văn số sẽ cho phép biến đổi các phương thức giao tiếp trong học thuật. Trước đây, các nhà nghiên cứu chủ yếu gặp nhau ở hội nghị, hội thảo, toạ đàm, hoặc liên lạc qua thư điện tử, điện thoại. Với nhân văn số, họ không chỉ liên lạc với nhau mà còn có thể làm việc cộng tác với nhau thông qua môi trường mạng và số hoá, các cộng đồng ảo được thiết lập và nâng cao khả năng tương tác. Trên môi trường trực tuyến và số hoá, nhiều công cụ và tiện ích sẽ được phát triển, giúp cho những người làm khoa học có nhiều sự lựa chọn hơn để tiến bước.

Nhân văn số còn có thể giúp nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học, khuyến khích được nhiều sinh viên tham gia vào quá trình nghiên cứu. Nếu như trước đây, phần lớn sinh viên thường gặp khó khăn trong việc tìm ý tưởng, tài liệu học tập hoặc trao đổi, thì ngày nay với sự hỗ trợ của nhân văn số, sinh viên đã dễ dàng có được những tài liệu mới cộng với khả năng tương tác tốt hơn. Điều này góp phần tạo động lực nhằm thúc đẩy niềm đam mê nghiên cứu khoa học của sinh viên, nhất là trong bối cảnh khoa học công nghệ và xã hội đang thay đổi ngày càng nhanh, mạnh mẽ. Đối với hoạt động dạy học, các giáo viên hoàn toàn có thể áp dụng những thành tựu công nghệ mới nhằm tăng khả năng tương tác, giảng dạy và quản lý sinh viên cũng như lớp học một cách hiệu quả nhất.

3. Một số hạn chế khi ứng dụng nhân văn số

Nhân văn số có nhiều ưu điểm và lợi ích khi áp dụng, đặc biệt là việc ứng dụng trong các ngành nhân văn. Khả năng kết nối nhiều nguồn tài nguyên cũng như các nhà khoa học trên không gian số là một thế mạnh của lĩnh vực này. Dưới tác động của nhân văn số thì ảnh hưởng cộng đồng của các ngành nhân văn sẽ trở nên mạnh mẽ và rộng lớn hơn thông qua các hoạt động truyền thông, quảng bá.

Tuy nhiên, nhân văn số cũng gặp phải một số hạn chế như sự mất mát dữ liệu trong quá trình chuyển đổi. Có thể sẽ xảy ra một số sai lệch hoặc thay đổi nằm ngoài khả năng kiểm soát khi áp dụng nhân văn số vào trong các ngành nhân văn. Ví dụ như trong quá trình mã hoá và chuyển đổi nhằm chuyển tải thông tin cho các hệ thống ngôn ngữ, có thể sẽ bị sai lệch, phát sinh một số ngoại lệ và khó đầy đủ hết tất cả các trường hợp. Điều này là thách thức cho nhân văn số khi cố gắng đảm bảo giá trị nguyên bản của các tài liệu sau khi được chuyển đổi vào hệ thống.

Đã từng có nhiều tranh cãi xảy ra khi xác định mục tiêu nghiên cứu của ngành nhân văn số do tính đa dạng của nhiều lĩnh vực và phạm vi của các khoa học chuyên ngành. Điều này đã làm cho nhân văn số trở nên phức tạp và khó định hướng phát triển trong một số giai đoạn. Tuy là một trong những lĩnh vực khoa học gây tranh cãi nhất nhưng nhân văn số cũng là một hướng nghiên cứu có tiềm năng và đang phát triển năng động nhất thế giới hiện nay [6].

Vấn đề đạo đức trong việc sử dụng dữ liệu được đặt ra khi ứng dụng nhân văn số. Trong thời đại bùng nổ thông tin dữ liệu như hiện nay, vấn đề quản lý và kiểm soát dữ liệu được lưu trữ trong các hệ thống trở thành một thách thức không nhỏ. Khi tài liệu được đăng tải lên mạng Internet, người dùng bằng cách nào đó đều có thể tìm kiếm hoặc sử dụng nhiều phương pháp để có được các nguồn dữ liệu giá trị và ý nghĩa. Vấn đề đặt ra làm sao để có thể đảm bảo an toàn thông tin và dữ liệu của người dùng trong hệ thống hiện tại. Ngoài việc đảm bảo dữ liệu được sử dụng đúng mục đích còn cần xác nhận rằng việc truy cập, chia sẻ đó không vi phạm pháp luật hoặc các điều khoản đã được quy định và hơn hết là đạo đức trong việc sử dụng thông tin dữ liệu. Quá trình số hoá để lưu trữ, mã hoá các tài liệu là cần thiết trong việc ứng dụng nhân văn số, đã trở thành một giải pháp quan trọng và then chốt.

Việc duy trì, bảo tồn các nguồn lực và dự án số trở thành một thách thức lớn không chỉ đối với nhân văn số mà còn với các cơ quan chủ quản. Cần có chiến lược lâu dài, hợp lý để có thể duy trì dự án một cách bền vững. Trong thực tiễn, đã có những dự án nhân văn số kéo dài vài chục năm, trải qua quá trình xây dựng và xử lý rất nhiều phần nhỏ trong đó (như dự án cỗ máy thời gian Venice trong Hình 2). Để duy trì dự án là một vấn đề phức tạp và sẽ gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều dự án nhân văn số gặp vấn đề khó đo đếm được giá trị, hiệu quả triển khai nhất là khi cần phải duy trì trong thời gian rất lâu, kinh phí duy trì trở thành vấn đề lớn. Nếu bỏ ngang giữa chừng khi chưa kết thúc dự án thì rất lãng phí thời gian và nguồn lực đã đầu tư ban đầu.

Điều này cho thấy việc bảo quản, phát triển bền vững các tài nguyên đó và kinh phí cho nhân văn số là một trong những điểm hạn chế, khó khăn lớn cần được khắc phục khi triển khai.

Văn hoá học thuật của các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cũng là một rào cản lớn. Họ có xu hướng khép kín và khó tham gia vào cộng đồng nghiên cứu rộng lớn, nhất là khi đội nghiên cứu được thiết lập trên không gian số, cộng đồng ảo, cộng tác qua mạng. Nhiều nhà nghiên cứu thuộc thế hệ cũ có xu hướng e ngại hoặc không thích sử dụng các nền tảng công nghệ mới. Về cơ bản, hạn chế trao đổi ý tưởng thông qua các phương tiện truyền thông sẽ ít nhiều làm giảm năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học và điều này ảnh hưởng đến chất lượng của các công trình nghiên cứu.

Vấn đề thay đổi nhận thức và tư duy cũ ở một số nơi vẫn còn là một thách thức lớn khi muốn ứng dụng nhân văn số. Ở một số lĩnh vực, người ta vẫn chưa xem trọng việc áp dụng công nghệ, đôi khi đã ứng dụng nhân văn số nhưng vẫn chưa có bất kỳ nhận thức gì về nó. Tác phẩm và công trình nghiên cứu về nhân văn số ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất hạn chế, phần lớn là chưa được áp dụng rộng rãi ở nước ta. Thậm chí là ở nhiều nơi, các hoạt động ứng dụng công nghệ – thông tin và kỹ thuật số chỉ được xem là việc phải làm theo nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, mà không thừa nhận rằng đó là việc sử dụng nhân văn số với nhiều ưu điểm và tiềm năng phát triển lớn hơn.

4. Vai trò của các thư viện trong việc thúc đẩy sự phát triển của nhân văn số trong tương lai

Hiện nay, nhiều trường đại học và cơ quan thông tin lớn trên thế giới đã có định hướng đào tạo về nhân văn số, coi nó như là một trong những công tác chính của những người làm thư viện trong thời điểm hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, để có thể ứng dụng nhân văn số một cách hiệu quả cần sự đầu tư về thời gian cũng như kế hoạch chiến lược lâu dài.

Thư viện với vai trò truyền thống là nơi cung cấp dịch vụ, cung cấp thông tin cho nhiều đối tượng người dùng khác nhau sẽ có nhiều tiềm năng trong việc ứng dụng các thành tựu công nghệ mới để hỗ trợ cộng đồng. Ngày nay, thư viện có thể trở thành nơi giúp tái tạo các nguồn thông tin, tư liệu giá trị cao hơn, là nơi truyền cảm hứng và kết nối nhiều lĩnh vực cũng như nhà nghiên cứu.

Lên kế hoạch, lưu trữ, quản lý dữ liệu, bắt đầu các nghiên cứu mới và cung cấp các gợi ý, nguồn công bố, tài liệu tham khảo, trích dẫn, dự án… sẽ là những công tác mới mà các thư viện có thể triển khai trong tương lai. Thư viện sẽ phải chủ động hơn trong việc ứng dụng nhân văn số với vai trò như một nơi trung gian kết nối các nhà khoa học. Sẽ hiệu quả hơn nếu thư viện kết nối được nhiều nhà nghiên cứu có cùng mối quan tâm đến một lĩnh vực.

Với khoa học xã hội và nhân văn thì thư viện đóng vai trò rất quan trọng. Phần lớn các nghiên cứu ngày nay cần hỗ trợ bởi các công cụ, công nghệ mới và đội ngũ người làm thư viện. Đôi khi họ là những người am hiểu về tài liệu hơn nhà nghiên cứu và từ đó họ có thể hỗ trợ cho quá trình nghiên cứu nói chung cũng như khoa học nhân văn nói riêng một cách hiệu quả nhất.

Thư viện có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nhân văn số. Khi áp dụng các công nghệ mới, thư viện sẽ trở thành kênh tương tác hiệu quả, là nơi ươm mầm cho nhiều ý tưởng sáng tạo, chứ không chỉ là nơi cung cấp những dịch vụ truyền thống. Các nhà nghiên cứu khoa học nhân văn thế hệ cũ thiếu nhạy cảm với các công nghệ. Do vậy, họ cần hỗ trợ từ người làm thư viện để có thể nâng cao chất lượng nghiên cứu của chính mình.

Tuy nhiên, yêu cầu năng lực của người làm thư viện phải được nâng cao để có thể hỗ trợ cho nhà nghiên cứu vận dụng nhân văn số. Khả năng sử dụng công cụ cũng như các kiến thức và kỹ năng về công nghệ là không thể thiếu. Ngoài ra, họ cần nắm vững nguồn tài nguyên thông tin, dịch vụ trong hệ thống. Những điều này rất cần thiết đối với người làm thư viện trong tương lai, nhất là khi nhân văn số được ứng dụng rộng rãi.

Vai trò của thư viện trong nhân văn số cũng cần được định vị lại. Thư viện trong tương lai không chỉ là nơi cung cấp tài liệu mà còn có thể trở thành nơi hoạt động liên ngành. Từ đó giúp giảm bớt áp lực cho các nhà nghiên cứu nhân văn khi phải đến nhờ cậy các nhà nghiên cứu công nghệ hỗ trợ. Thư viện sẽ trở thành một nơi trung gian, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ quan niệm cố hữu nào, là nơi kết nối tất cả mọi người với nhau. Thư viện trong tương lai sẽ cung cấp thông tin ở không gian tích cực nhất mà mọi người có thể sử dụng được. Ở đó, nhiều loại hình hoạt động và trải nghiệm phong phú sẽ được triển khai một cách hiệu quả, lan toả tri thức và khơi dậy niềm đam mê học hỏi, khám phá khoa học mạnh mẽ.

Ví dụ, trong mô hình Library Lab: Thư viện sẽ là nơi hỗ trợ cho các ý tưởng được thực hiện. Người làm thư viện có thể hỗ trợ cho nhà nghiên cứu hiện thực hoá những ý tưởng của họ đồng thời giúp kết nối các nhà nghiên cứu khác cùng tham gia vào quá trình nghiên cứu này. Người làm thư viện trước đây luôn mang tâm thế là người phục vụ. Tuy nhiên, bằng việc ứng dụng nhân văn số, họ có thể hỗ trợ nhà nghiên cứu và trở thành đối tác, chứ không chỉ là người phục vụ. Khi làm việc trong môi trường cộng tác sẽ khắc phục được nhiều điểm hạn chế, tạo ra tư duy phản biện tích cực, góp phần nâng cao chất lượng của các công trình nghiên cứu. Họ có thể cùng tham gia với nhà nghiên cứu, trao đổi và truyền cảm hứng cũng như động lực làm việc, thậm chí có thể giúp nhà khoa học lên chiến lược, kế hoạch nghiên cứu một cách tối ưu nhất.

Để đạt những điều này, người làm thư viện cần được đào tạo thêm về các công nghệ mới một cách liên tục và bài bản hơn vì công nghệ luôn thay đổi không ngừng. Nếu như họ dừng lại ở đâu đó và chỉ sử dụng các công cụ truyền thống thì sẽ nhanh chóng bị tụt hậu, bị bỏ lại phía sau và không đáp ứng được những yêu cầu đối với các hoạt động của nhân văn số.

Ngoài ra, các thư viện cũng cần đầu tư hơn cho việc mua sắm, sáng tạo, hỗ trợ các ứng dụng và phần mềm để phục vụ việc triển khai các công nghệ mới. Đội ngũ cộng tác viên am hiểu về công nghệ mới sẽ là một nguồn lực lớn giúp cho các thư viện triển khai thành công việc ứng dụng nhân văn số.

5. Kết luận

Nhân văn số là một lĩnh vực nghiên cứu còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Việc ứng dụng các thành tựu kỹ thuật số và khoa học máy tính vào nghiên cứu các ngành nhân văn đang trở nên cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. Nhân văn số sẽ giúp các cơ quan, tổ chức bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hoá, di sản, tư liệu một cách có hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, vai trò của các thư viện là khá quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nhân văn số trong tương lai. Thư viện không chỉ là nơi cung cấp các sản phẩm và dịch vụ truyền thống mà còn có thể trở thành nơi truyền cảm hứng sáng tạo, kết nối nhiều lĩnh vực và nhà nghiên cứu, thể hiện mạnh mẽ hơn vai trò trung gian trong việc gắn kết cộng đồng của mình. Để làm được điều này, các thư viện cần có sự đầu tư dài hạn, nghiêm túc về công nghệ mới song song với việc đào tạo nhân sự đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của quá trình nghiên cứu, đào tạo và giảng dạy nhằm theo kịp những thay đổi nhanh của thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Anne Burdick, Johanna Drucker, Peter Lunenfeld, Todd Presner, Jeffrey Schnapp. Digital Humanities. – Open Access eBook: MIT Press, 2012.

2. Cornelius Puschmann, Marco Bastos. How Digital Are the Digital Humanities? An Analysis of Two Scholarly Blogging Platforms. PLOS ONE 10 (2): e0115035, 2015.

3. Nadim Akhtar Khan, Sabiha Zehra Rizvi, Tazeem Zainab, Samah Mushtaq Khan. Digital Humanities in Cultural Preservation. IGI Global, 2015.

4. Niels Brügger, Niels Ole Finnemann. TheWeb and Digital Humanities: Theoretical and Methodological Concerns // Journal of Broadcasting and Electronic Media. – 2013. – No. 57:1. – P. 66-80.

5. https://en.wikipedia.org/wiki/Digital_humanities.Truy cập ngày 8/7/2019.

6. http://tiasang.com.vn/-khoa-hoc-cong-nghe/Nhan-van-so-thuc-Mot-lat-cat-cua-xa-hoi-toan-cau- 11139. Truy cập ngày 9/7/2019.

7. https://vi.wikipedia.org/wiki/Nhân_văn_số. Truy cập ngày 8/7/2019.

8. https://www.thebritishacademy.ac.uk/blog/what-are-digital-humanities. Truy cập ngày 9/7/2019.

9. http://ussh.vnu.edu.vn/d6/vi-VN/news/Tiep-va-lam-viec-voi-cac-chuyen-gia-Nhan-van-so-Digital- Humanities-1-702-17125. Truy cập ngày 5/7/2019.

10.https://www.researchgate.net/publication/311921946_The_Conceptual_Ecology_of_Digital_Humanities. Truy cập ngày 8/7/2019.

11. https://en.wikipedia.org/wiki/Roberto_Busa. Truy cập ngày 9/7/2019.

12. http://eadh.org/father-roberto-busa-1. Truy cập ngày 4/7/2019.

13. https://vi.wikipedia.org/wiki/Khoa_học_nhân_văn. Truy cập ngày 5/7/2019.

14. https://osc.hul.harvard.edu/liblab/. Truy cập ngày 8/7/2019.

15. https://stemlibrarylab.org/. Truy cập ngày 8/7/2019.

16. https://meslab.vn/2013/08/xu-huong-su- dung-nguon-luc-cong-dong-trong-thiet-ke-va-phat- trien-san-pham/. Truy cập ngày 8/7/2019.

17. https://en.wikipedia.org/wiki/Computational_ linguistics. Truy cập ngày 9/7/2019.

ThS. Nguyễn Danh Minh Trí

Khoa Thư viện – Thông tin học, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. – 2019. – Số 5. – Tr. 3-10. Xem thêm chi tiết TẠI ĐÂY

Chia sẻ:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *